Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc
Unknown
Chương 41: Tôi Đi Ăn Trộm
Tôi rất tò mò xem hiệu quả của việc treo mắm tôm trong bụi cây ấy ra sao, chiều nào cũng ra cầu Đình chơi để hóng xem có ai bị ngã xe hay không, hóng được hai, ba buổi chiều thì chán vì chả thấy có gì đặc biệt, tôi cũng tò mò mùi mắm tôm có đủ nặng để đuổi đám ma da chỗ đấy đi chỗ khác hay không. Gần Tết ai cũng hối hả kiếm thêm ít tiền cho cái Tết thêm sung túc, ai cũng có vẻ vội vã hơn, không còn dáng vẻ chậm chạp như thường thấy. Theo lệ, cứ gần đến ngày Hai mươi tháng Chạp là làng tôi đông dần lên theo cấp số cộng, một số căn nhà bỏ hoang cả năm, cửa đóng then cài nay đã có bóng dáng người quét dọn.
Có thể nói rằng Tết ở miền Bắc những năm ấy rất có không khí, thời tiết thì lạnh, ai cũng mặc cho mình những cái áo khoác dày, trẻ con sang hơn thì có mấy loại áo len cổ lọ, kiểu dáng đẹp, tôi đồ rằng đây là đồ người ta cắp nách từ bên Tàu về rồi bày bán ở chợ quần áo sida Kim Liên. Bố mẹ tôi cũng mua cho tôi vài cái áo mới từ cái chợ ấy, nhìn là biết chả phải đồ cũ, có thêm một đôi giày nếu tôi nhớ không nhầm thì ở phần đế giày mỗi khi bước đi là lại nhấp nháy đèn, cái mũi giày hơi hếch lên như mũi con lợn, hai đứa em tôi đều có nên tôi cũng có, giày này đi vào buổi tối thì rất nổi bật. Nhưng tôi đi được hai buổi tối thì lại thôi vì nhiều đứa hỏi quá, trả lời chúng nó mỏi miệng. Với đám bạn sáng đi học chiều cắt cỏ chăn trâu, hơn nửa ngày đi chân đất thì giày nhấp nháy đúng là thứ lạ, chúng nó hỏi thì cũng thích nhưng hỏi nhiều quá tôi lại thấy không thích đôi giày nữa nên tôi mang cất, đi dép xăng - đan đã là lịch sự rồi. Bạn bè tôi cùng lớp đi học có đứa còn đi dép tổ ong rách, được buộc bằng những sợi dây thép nhỏ đến lớp. Bố mẹ chúng nó làm nông, kinh tế không dư dả, lại còn đông con, vậy nên tôi cũng không muốn khác biệt quá, khác biệt quá sẽ không đứa nào muốn chơi với mình.
Hôm cúng ông Công – ông Táo thì bố tôi chở một ít đồ Tết về trước, có cả mấy gói mứt Tết màu đỏ chói bọc trong túi bóng, rồi cả mấy hộp bánh kẹo Kotobuki gì đó, hình như của Công ty Hải Hà, hoặc tôi nhớ nhầm. Sở dĩ bố tôi mang đồ Tết về trước một ít là để bà Già mang đi gửi những nơi cần phải gửi, cũng phải cả chục nơi, chủ yếu là những nơi bà nội Cả và bà Trẻ xuất thân, còn riêng việc đi gửi Tết gia đình nhà bà Già thì bố tôi phải tự đi, nơi đó nằm ở huyện khác, tôi chỉ mới nghe đến. Bà Già là con gái lớn của trưởng tộc nhưng theo chồng về làng này, từ hồi về quê tôi chưa bao giờ thấy bà về quê của bà, bà chỉ nói nơi ấy xa, sau tôi mới biết do tôi còn nhỏ, bà cũng không muốn để tôi ở một mình nên giỗ chạp gì bà cũng không về, khi tôi biết được việc ấy do một người cháu của bà nói cho nghe, tôi chỉ biết im lặng.
Nhà tôi cũng có mấy bà cụ đến gửi đồ Tết, là cặp bưởi, hộp bánh hay những thứ khác, những thứ dân dã có thể mua được ở đầu làng hoặc hái trong vườn nhà. Không hiểu sao tôi lại rất thích những thứ ấy mặc dù tôi ít khi ăn, bà Già nói tôi là đứa khôn mồm, tôi nghĩ rằng người ta quý mình người ta mới tặng hoặc gửi như thế. Khi tôi lớn lên hơn một chút, việc gửi quà Tết tôi thường làm thay cho bà, đến nhà nào tôi cũng sẽ ngồi lại hỏi thêm dăm ba câu chuyện, tôi rất thích kiểu giao tiếp như vậy, cảm giác món quà là phương tiện kết nối tình cảm giữa những gia đình với nhau, hiểu nhau hơn quả thật là đáng quý.