Logo
Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗

Chương 97: Lòng tốt của Trần Kính

Chương 97: Lòng tốt của Trần Kính


Kinh thành Thăng Long hơn 3 tháng kể từ khi quân Chiêm rút đi cuối cùng cũng hồi sinh lại chút sinh khí, dù vẫn chưa khắc phục hoàn toàn được những hậu quả của cuộc chiến để lại nhưng 61 phố phường của Thăng Long đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Các bến thuyền, bến cảng đã dần có tàu bè tới trao đổi hàng hóa.

Tại Đông cung, sau buổi triều hội Trần Kính trở về thư phòng đuổi hết cung nhân thái giám ra ngoài, thở phì phò đập bàn tức giận quát tháo:

- Một lũ hám lợi ngu xuẩn, chỉ biết khư khư ôm lấy tiền tới c·hết. Ngu xuẩn.

Trần Kính từ mười ngày trước đã kết thúc chuyến cứu tế của mình, trở về kinh thành Trần Kính muốn thúc đẩy chuyện làm đường, làm thủy lợi trên buổi chầu nhưng kế hoạch hoàn toàn bị phá sản. Dù đã đưa ra nhiều cách hỗ trợ những vương hầu quý tộc phải bỏ tiền ra để thuyết phục họ đồng ý nhưng phần lớn quan viên đại thần kể cả hoàng thân quốc thích đều phản đối kế hoạch của Trần Kính với đủ các lý do. Nghe lý do thì có vẻ hợp lý, đều là những suy nghĩ nặng lòng với đất nước nhưng tựu chung lại hắn có thể nhận ra tất cả đều vì một chữ “tiền”.

Sau chuyến đi tới huyện Ngự Thiên vừa rồi, Trần Kính có thể nhận ra lợi ích vô bờ của việc làm đường, làm thủy lợi. Nhưng đám đại thần kia không nghĩ thế, họ chỉ nghĩ chi ra một đồng là mất một đồng, không ai nghĩ được tới những lợi ích nó mang lại về sau. Trần Kính ngã người ra ghế buồn chán nhìn trần nhà nhớ tới những chuyện đã nói với Trần Quốc Toản, hắn thở dài thườn thượt buồn chán:

- Quốc Toản, ta không muốn tin nhưng xem ra đúng như đệ nói, đám vương hầu qua mấy đời ăn sung mặc sướng đã mài mòn hết ý chí rồi. Nắm quyền cao nhưng lại toàn hạng vô dụng, chỉ muốn hưởng phú quý tới c·hết, không trông mong gì được.

Đang buốn bực nhưng sực nhớ ra khi lên triều Nguyễn Chính có báo với hắn “có thư của Trần Quốc Toản gửi đến” Trần Kính vội chồm dậy lục đống văn thư trên bàn. Tìm được lá thư của Trần Quốc Toản, Trần Kính với tay lấy chén trà một hơi uống sạch mới mở thư ra xem. Càng đọc nét mặt của Trần Kính càng giãn ra, hắn thật sự rất muốn hét lên nhưng nhớ tới đề nghị giữ bí mật của Trần Quốc Toản làm Trần Kính kìm lại, vừa đọc thư mồm hắn lẩm nhẩm:

- Quốc Toản đã chiếm được trấn Ka-Jo rồi? Hay lắm, tiểu đệ của ta làm việc mau lẹ thật. Bước đầu vậy là đã thành công cắm một cái gai sau lưng của Chiêm Thành.

Tay hơi gõ gõ trên mặt bàn, Trần Kính đăm chiêu nhẩm tính kiểu gì Danak cũng sẽ không để yên cho Ka-Jo được bình yên phát triển, một cuộc chiến giữa hai bên chắc chắn sẽ sớm xảy ra. Nghĩ tới cảnh Trần Quốc Toản đang phải vất vả chống đỡ quân Chiêm ở Ka-Jo thì bất thình lình có lực lượng tinh nhuệ của mình tới giải vây khiến Trần Kính cười rất sướng khoái. Tưởng tượng ra cái mặt câng câng của Trần Quốc Toản cảm kích khi được mình cứu giúp làm Trần Kính vừa luôn mồm lẩm nhẩm cười cười vừa trải giấy ra bàn viết thư:

- Xem ra người làm anh này phải giúp đệ một chút rồi.

Gần một canh giờ sau, Trần Kính hài lòng gấp thư lại gắn xi bên ngoài, một lá Trần Kính dùng dấu tên của mình đóng lên xi, một lá cũng đóng dấu tên nhưng còn thêm con dấu của Hoàng Thái Tử đóng bên ngoài. Gần hoàn tất thì tiếng Nguyễn Chính bên ngoài cửa truyền vào:

- Bẩm Điện Hạ, bên ngoài có Thượng thư hữu bật Lê Quát xin cầu kiến!

Trần Kính ngẩng đầu lên nói:

- Nguyễn Chính, ngươi vào đây một chút.

Đợi Nguyễn Chính bước vào, thấy hắn chuẩn bị hành lễ Trần Kính phất tay nói:

- Không cần đa lễ, tới đây, ta có 2 phong thư, ngươi cho người đem một lá tới cho Hoài Văn vương. Còn là này cho người đem tới Hóa Châu, giao cho chỉ huy sứ Phạm Phúc bảo với hắn đây là mật chỉ của ta, số hỏa khí này năm sau triều đình sẽ bù cho hắn. Ngươi ra mời Lê đại nhân vào đây rồi lập tức gửi thư đi cho ta.

- Tuân lệnh điện hạ.

Đợi Nguyễn Chính hành lễ lui ra ngoài, Trần Kính sắp xếp lại thư từ trên bàn một chút. Tính cả thời Nhật Lễ có thể coi Lê Quát là đại thần bốn đời vua Trần từ thời Minh Tông tới nay, cùng với Phạm Sư Mạnh thì ông là một trong những học trò xuất sắc nhất của Văn Trinh Công (Chu Văn An). Lê Quát đã ngoài ngũ tuần, tóc đã hoa râm, chòm râu được cắt tỉa gọn gàng, dáng người nhỏ lọt thỏm trong bộ quan phục rộng nhưng khí chất nghiêm nghị cộng với học vấn uyên bác khiến bất cứ ai đối diện với ông cũng phải hết mực kính trọng.

- Bái kiến điện hạ, điện hạ vạn tuế, vạn vạn tuế.

Trần Kính vội đi tới đỡ lấy hai bàn tay mới chắp lại chuẩn bị quỳ xuống hành lễ của Lê Quát ân cần nói:

- Lê đại nhân, có chuyện gì người đứng lên rồi nói, Trần Kính xin được lắng nghe.

Lê Quát đành hơi khom người vái nói:

- Tạ ân điển của điện hạ, nhưng lễ quần thần cần nghiêm chỉnh thi hành. Lần này lão thần tạ ân điển của điện hạ, lần sau mong điện hạ cho lão thần được thực hiện đúng lễ quần thần.

Trần Kính mời Lê Quát ngồi xuống mới nói:

- Lê đại nhân mời dùng trà. Là ta suy nghĩ không thấu đáo, tạ ơn đại nhân nhắc nhở. Không biết hôm nay đại nhân tới có việc gì dặn dò.

Lê Quát nhận chén trà từ người hầu bê lên đặt xuống rồi nói:

- Thái tử điện hạ, gần đây lão thần có nghe dân gian lan truyền một số câu chuyện về những thay đổi của huyện Ngự Thiên. Biết vừa rồi trong chuyến đi cứu tế nạn dân người có đi qua huyện Ngự Thiên, nên lão thần tò mò muốn hỏi. Thái tử điện hạ, Vương Phi Trần Ý Ninh thật sự muốn lập Hoài Văn vương mới rồi?

Nghĩ tới Trần Quốc Toản khiến Trần Kính vui vẻ hơi mỉm cười nói:

- Đúng thế Lê đại nhân. Chuyến đi vừa rồi ta có qua thăm hỏi Cao tổ mẫu, có nói chuyện với người về Trần Quốc Toản. Chính người đã xác nhận với ta chuyện này, sắp tới người sẽ lên kinh để “báo” với triều đình thông qua, bổ nhiệm.

Nói tới đây Trần Kính hơi phì cười:

- Thật trùng hợp là Hoài Văn vương mới được Cao tổ mẫu chọn cũng lấy tên là Trần Quốc Toản, xem ra đây là ý riêng của Cao tổ mẫu nên ta cũng không hỏi lại, cũng không dám ý kiến. Lê đại nhân, trùng hợp hơn nữa, Trần Quốc Toản chính là người đã cứu ta ở đồn Khoái đấy.

Lê Quát trầm ngâm suy nghĩ một hồi rồi tìm lời để hỏi:

- Lão thần hồ đồ nghe người dân đồn đại những chuyện y đang làm ở huyện Ngự Thiên quá hoang đường, quá khó tin. Dường như y không tiếc của cải tiền bạc để tạo phúc cho dân chúng giống như Hưng Đạo Đại vương năm xưa từng làm để đối phó với giặc Thát. Thái tử điện hạ hẳn đã tiếp xúc với vị Hoài Văn vương mới này, lão thần có thể hỏi người, liệu y có phải hạng mua danh chuốc tiếng, liệu có phải Vương phi bị….

Trần Kính biết điều Lê Quát muốn hỏi, quả thực những việc làm của Trần Quốc Toản quá khó để người ta tin hắn chỉ một lòng vì Đại Việt mà không có ý riêng. Đến vị đại thần thông tuệ như Lê Quát cũng không tin nổi Trần Quốc Toản khiến Trần Kính càng hiểu những đắn đo, việc phòng trước phòng sau của Trần Quốc Toản trước đây là hoàn toàn có lý do cả. Nếu không phải Trần Kính đã thăm dò, đã tiếp xúc với Trần Quốc Toản thì chính hắn cũng không tin. Trần Kính dơ tay lên ngăn những lời Lê Quát sắp nói lại, giọng trở lên nghiêm túc hơn nói:

- Lê đại nhân, chuyện này đúng là rất khó tin, ta cũng không biết phải giải thích với đại nhân thế nào, nếu có dịp ta nghĩ đại nhân nên gặp hắn thì đại nhân sẽ rõ ràng. Còn nếu đại nhân muốn hỏi ta tin hắn không? Thì ta có thể chắn chắn với đại nhân là ta hoàn toàn tin những việc hắn làm đều vì Đại Việt, không hề có lòng riêng.

......

Trò chuyện thêm một chút về những chính sách mới đưa ra bàn luận trong buổi chầu, Lê Quát cú đầu bước từng bước rời Đông cung với một đống bộn bề trong lòng, vốn là người thông tuệ lại hiếu học, thuộc lòng kinh sử nên ông có thể nhận ra nhà Trần cũng không cưỡng được guồng quay của bánh xe lịch sử. Thế hệ sĩ phu của ông hay sự phụ ông dù đã rất cố gắng nhưng đều bất lực trước đà suy sụp của triều đại nhà Trần. Rất nhiều người từ bỏ mũ quan về quê ở ẩn, Văn Trinh công thầy của Lê Quát cũng là trường hợp như thế. Nghe những tin đồn về Trần Quốc Toản, dù không rõ ràng nhưng Lê Quát có thể cảm thấy lòng mình đang có chút gợn sóng khó tả. Quay lại nhìn hoàng cung chìm dần trong ánh chiều tá, Lê Quát nói với lão Bộc đã theo mình hơn nửa đời người:

- Lão Bộc, về thu dọn hành lý, mai chúng ta tới huyện Ngự Thiên một chuyến. Ta muốn tận mắt xem những chuyện này.

------------------------------------------------

Huyện Ngự Thiên tốc độ thay đổi nhanh đến chóng mặt, Lưu quản gia lo mùa mưa ảnh hưởng tới việc đi lại nên con đường đất chính của trang viên chạy từ bến đò ngang tới cổng gia trang trước kia đã được ưu tiên trải gạch toàn bộ. Con đường rộng thênh thang tới 4 xe ngựa dàn hàng chạy song song được này giờ đã thành trục đường chính của huyện Ngự Thiên. Vì nhu cầu nhà ở tăng vọt nên ngoài con đường chính này thì rất nhiều đường nhánh cũng đang được đắp đất để làm đường mới, mở rộng phạm vi dân cư. Hai bên đường đã có rất nhiều hàng quán được mở ra hoặc đang được dựng lên nhanh chóng.

Chính sách dẫn thủy nhập điền từ một câu nói đại khái của Trần Quốc Toản đã được Lưu quản gia, Lê Đạo tri huyện cùng các ty hà đê sứ, thủy lộ đề hình, liêm phóng và khuyến nông biến thành nó sự thật. Những con kênh rạch ngang dọc hút tầm mắt mang nước tới những mảnh ruộng xa nhất, giúp người dân dễ dàng lấy nước tưới cho ruộng của mình.

Con đê mới coi như đã hoàn thành phần thân đê, chỉ cần đắp cao thêm một trượng là được (1 trượng khoảng 2,3-2,5m). Có con đê chắn trước chẳng mấy chốc mà mảnh đất bồi hàng trăm mẫu phía bắc đã được hộ dân mới tới nhổ sạch lau sậy, để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Nhờ thế mà dù lượng nhà xây mới và đường xá chiếm rất nhiều ruộng đất của trang viên Hoài Văn vương nhưng lượng đất nông nghiệp của huyện lại tăng lên đáng kể.

Bãi bồi phía nam gần ngã ba sông hơn, chỗ bãi sậy trũng còn ngập nước được đóng cọc tre làm đê tạm bên ngoài, bên trong được tù binh Chiêm Thành hơn hai tháng qua vét sâu hoắm, bờ xung quanh được đóng cọc tre dày đặc để làm kè, những cây tre đực to, dài và thẳng nhất vùng đều được đóng ở đây để tránh sạt nở. Lê tri huyện không hổ là người có tài khi yêu cầu bên hà đê sứ làm con đê thật chắc để tận dụng nó như cầu tàu sau này, một công đôi việc. Đất vét lên không đủ để tôn nền toàn bộ phần bãi bồi nên đất được ưu tiên để đắp đường lên con đê cũ làm đường đi lại cho người và hàng hóa. Cần thêm vài ngày việc vét bùn hoàn tất chỉ cần khơi nước thông với sông Luộc thì bến cảng lý tưởng để leo đậu tàu thuyền đã thành hình.

Kết quả này có công rất lớn của những lao động miễn phí tới từ Chiêm Thành, hơn 2 tháng qua họ đã làm việc rất chăm chỉ, chăm chỉ tới mức họ cũng không ngờ. Trước kia Lạt La Tạ Đốn có tự làm việc của mình cũng chẳng chăm được như thế.

Hôm nay bọn họ đều được về sớm, Lạt La Tạ Đốn vui vẻ tung tăng nắm cơm bọc lá sen còn được rưới ít nước thịt thơm phức trên tay. Cứ nhìn nắm cơm lại khiến hắn cười vui vẻ như không hề có chút mệt mỏi nào. Hắn không ngờ bản thân chỉ tiện tay đắp 1 đoạn đất nhỏ rẽ vào nhà một trang hộ lại được món quà lớn thế này. Lâu nay tù binh Chiêm Thành bọn hắn thi thoảng lại được vài món ăn từ trang hộ cho, Lạt La Tạ Đốn tung tung nắm cơm trước mặt La Tát Đản đang cau có trêu ngươi:

- La Tát Đản, gì mà cau có thế phải tươi tỉnh như ta mới có cơm ngon mà ăn, thèm không? Cơm rưới nước thịt đấy, thèm thì bảo tý ta cho miếng.

Chương 97: Lòng tốt của Trần Kính