Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗
Khu Mật Viện
Unknown
Chương 2. Chap 9.3. Lai lịch ca nương
Đám gia nhân nhanh nhẩu bưng bê đồ ăn thức uống lên bày biện ở bàn của hai vị thượng khách với đầy đủ sơn hào hải vị và hai bình rượu bằng sứ màu men lam có vẽ những cánh hoa hồng vô cùng sống động. Hai gã vừa rót được chén rượu, uống được một hiệp thì cũng là lúc Đệ Nhất ca nương Đào thị bước lên sân khấu. Cả đại sảnh ngập tiếng vỗ tay và trầm trồ, xuýt xoa của biết bao con người.
Cô Đào, trong bộ váy áo bằng lụa màu đỏ tươi với bao nhiêu trang sức bằng vàng, bằng ngọc lấp lánh làm tôn lên nước da trắng như trứng gà bóc đầy mê hoặc, bước từng bước nhẹ nhàng lên sân khấu. Tay nàng cắp theo một cây đàn bầu thân tre đặt lên giá đỡ ngay phía trước chiếc ghế ngồi bọc nhung của ca nương, ngồi xuống, nhìn quanh và tặng cho các quan khách một nụ cười tươi tắn như hoa. Ca nương còn chưa cất tiếng hát, nhan sắc đã đủ làm quan khách hồn siêu phách lạc. Cô Đào lên tiếng:
- Đào xin có lời tri ân gửi đến các vị quan khách đã hạ cố tới thăm Nhất Dạ Vương Lâu tối hôm nay. Như thường lệ, Đào xin được gửi đến các vị quan khách ba khúc nhạc. Ba khúc nhạc của buổi tối ngày hôm nay là Trang Chu mộng điệp, Nam Thiên Nhạc và Vũ Khúc Tây Thiên. Xin cảm tạ.
Cô Đào ngồi vào bàn đàn cũng là lúc dàn nhạc với tay trống, tay phách với dàn ca múa cùng vào vị trí trên sân khấu. Dàn vũ công múa bảy người toàn những mĩ nữ hoa nhường nguyệt thẹn, mỗi người chỉ mặc một chiếc yếm, một chiếc váy đen, một dải lụa cùng màu yếm khoác ở hai tay. Trang phục mỗi người lại một màu khác nhau theo màu sắc của Thất tiên nữ đỏ, xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím.
Tích tịch tình tình tang...
Tiếng đàn bầu thánh thót vừa cất lên, hòa với nhịp trống, nhịp phách đảo đã đưa toàn thể người nghe ở Vương lâu vào một trạng thái đầy mông lung, huyễn hoặc. Đám quan khách đã có rượu vào rồi lại cộng với những vũ điệu đầy quyến rũ lại càng trở nên miên man hơn.
Rồi cô Đào cất giọng. Giọng ca của cô đào du dương, mềm mại, uyển chuyển đầy mị lực hát về một điển tích Đạo giáo gọi là Trang Chu mộng điệp. Sách Nam Hoa Kinh thiên Tề Vật Luận có chép truyện về tư tưởng tự do, phóng khoáng vô cùng của Trang Chu rằng: "Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Giữa Chu và bướm tất có chỗ khác nhau! Cái đó gọi là "vật hóa".
Điển tích được phổ nhạc, qua tiếng hát trong trẻo nhưng ma mị và tiếng đàn điêu luyện của cô Đào cùng sự hỗ trợ của dàn gõ và các vũ công như đã biến Vương lâu thành chốn bồng lai tiên cảnh. Đám quan khách ở dưới mắt lim dim lắc lư nhè nhẹ để tiếng hát đẩy mình trôi theo cơn phiêu du, để cho sự tiêu dao, tự do và phóng khoáng của khúc nhạc thấm vào từng thớ thịt.
Sư họ Hồ tai lắng nghe, cũng đung đưa theo tiếng nhạc nhưng mắt dán chặt vào ca nương trên sân khấu. Gã chép miệng tấm tắc:
- Hát hay thật, tôi cảm giác như biến thành bướm bay lượn thật ông Đô thống ạ.
Đàm Toại Trang đáp:
- Chuyện, đệ nhất ca nương mà, con này nó từng vào đàn hát cho hoàng gia đấy. Ông xem, dàn nhạc hơi đơn giản so với ở trong cung nhưng nói chung là anh em mình đang thụ hưởng thứ tiến cung đấy sư cọ ạ.
Sư họ Hồ gật đầu:
- Đúng là danh bất hư truyền. Mà ca nương đẹp thật. Này ông bảo, thành việc lớn xong tôi xin ông anh lại cái Vương Lâu với con ca nương này chắc cũng được đấy nhỉ. Đẹp, đẹp thật ông ạ.
Đàm Toại Trang bật cười nói:
- Ừ, chắc cũng được, tôi chỉ sợ con này nó không đồng ý thôi. Ông biết lai lịch con này không, có thuần hóa được nó không mới là vấn đề đấy.
Sư họ Hồ nhướn mắt quay sang:
- Lai lịch thế nào cơ ông?
Đàm Toại Trang đáp:
- Cháu yêu của Tiên đế đấy ông ạ. Con gái cả của Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc nhà họ Đào. Đào Cam Mộc có bốn đứa con đặt tên là Đào Vân, Đào Vũ, Đào Lôi, Đào Điện. Đào Vũ khi xưa đã t·ử t·rận sa trường, Lôi, Điện giờ trấn thủ Hải Đông. Còn con này là Đào Vân, chị cả.
Sư họ Hồ trợn tròn mắt hỏi tiếp:
- Ông Thái sư Á Vương chơi cả dàn tứ pháp đặt tên cho con luôn nhỉ. Mà thế quái nào con cả của Thái sư lại đi làm con hát?
Đàm Toại Trang đáp:
- Thế mới kỳ lạ ông ạ. Con nhà trâm anh thế phiệt nhưng lại đi làm con hát ở chốn thanh lâu. Tiên đế năm xưa cũng khó xử lắm nhưng quả thật tài năng của nó là không thể phủ nhận được, chân truyền của Huyền Nữ Môn được Phạm Thị Trân năm xưa sáng lập ở đất Hồng Châu đấy, rồi sau lại làm ca nương cho Vương Lâu của em trai vua. Một bên là đại gia tộc, một bên là em trai nên cũng chẳng ý kiến nữa, gửi gắm cho ông em để bảo đảm an toàn cho con nhà họ Đào thôi. Thấy bảo con này cũng còn có cả võ nữa cơ, đặc biệt là công phu dưới nước. Đấy ông xem, hoàng đế với cả đại gia tộc còn không khuyên can được nó, tầm như ông có mó được không?
Sư họ Hồ bĩm môi nhíu mắt nói:
- Thật thế luôn á, thế thì có vẻ khó nhằn đấy nhỉ. Thôi tôi cũng chẳng kiên nhẫn lắm đâu. Đi ngủ với kỹ nữ cho tiện vậy.
Đàm Toại Trang bật cười:
- Thế là giống lính tráng bọn tôi đấy ông ạ. Ông biết sao bọn tôi cũng thích đi thanh lâu không?
Sư họ Hồ đáp:
- Hám gái chứ sao.
Đàm Toại Trang nói:
- Đó là một phần thôi. Phần còn lại là vì không cảm thấy an toàn trong chuyện gia đình, hôn nhân. Quanh năm chinh chiến đâu có thời gian cho gia đình đâu, chưa kể sống c·hết còn chưa ai dám chắc nữa. Được người vợ hiền thì may mắn, chứ không nó cũng bỏ mình mà đi thôi. Ấy mà có phải ai cũng có vợ hiền đâu, đã gọi là hiền thì là đồ quý, mà đồ quý thì vốn lại không nhiều. Ông ạ, thậm chí chủ Vương Lâu này này, Dực Thánh Vương còn bị vợ nó bỏ đấy, sau còn chẳng cần vợ nữa kìa.
Sư họ Hồ đáp:
- Thế à, hóa ra là thế, bảo sao chẳng thấy ai nhắc đến phu nhân của gã nhỉ. Mẹ của cố Tổng quản Lý Phó đúng không?
Đàm Toại Trang gật đầu nói:
- Ừ, ngày vợ đi, ông hoàng buông một câu này chứ: "nuôi mày không bằng nuôi ngựa, nuôi c·h·ó". Sau đó thì không bao giờ thấy cô vợ trở về nữa.
Sư họ Hồ liền bưng chén rượu lên trước mặt rồi mời Đàm Toại Trang:
- Thôi ông, uống đi, uống cho quên mẹ cái sự đời, cái giống đàn bà đi, nào lên.
Đàm Toại Trang gật đầu rồi cụng ly làm một tợp. Rồi sau đó hai người cứ chén chú chén anh hết ly này đến ly khác.
Trên sân khấu thì phần trình diễn của cô Đào cũng lần lượt đi qua cả ba khúc nhạc. Khúc Nam Thiên Nhạc thì khiến khán giả như thành thần tiên bay bổng trên mây ngắm nhìn mênh mang non nước trời Nam từ trên cao. Vũ khúc Tây Thiên như đưa cả Vương Lâu về miền Tây phương cực lạc với cảm giác thanh thản, hoan hỉ lạ kỳ. Đám người ở dưới mắt lim dim cuốn theo điệu nhảy của thất tiên nữ như mê như dại cho đến hết khúc nhạc.
Ba khúc nhạc vừa kết thúc là đám người trong Vương Lâu kẻ dưới tầng sảnh thì đứng hết lên, kẻ trên hành lang thì nhao nhao hết ra vỗ tay và đồng thanh :"Hát tiếp đi, hát tiếp đi". Rồi họ cứ lần lượt theo nhau đặt bạc lên bàn.
Cô Đào đứng lên, cắp đàn rồi nhìn quanh trên dưới Vương Lâu một lượt, nở một nụ cười thật tươi và cúi chào. Mặc cho đám người hò hét đòi hát nữa, cô Đào quay lưng theo lối phía sau sân khấu lui về hậu lâu. Phía dưới đám gia nhân của Vương Lâu hùa nhau mỗi đứa một cuốn sổ, một cái bút chạy đến từng bàn hớn hở thu bạc.
Lúc đó, phía dưới gần sân khấu, cũng một bàn thượng khách, có một tráng niên chạc tầm ngoài hai mươi tuổi, ăn mặc sang trọng, đầu vấn khăn, nước da ngăm ngăm đen, hình dung cũng tuấn tú lập tức đứng lên, đi thẳng ra hậu lâu theo bóng cô Đào. Người đó lẽo đi sau cô Đào cho đến khi bóng cô Đào bỗng nhiên dừng khựng lại. Cô Đào quay lưng lại và hỏi:
- Đào Thuận à, mày vẫn chưa về Hải Đông đi hả em?
Thanh niên tên là Đào Thuận đó đáp:
- Chị Vân à. Chú Thạc Phụ giao nhiệm vụ cho em lên Thăng Long để bảo vệ chị. Chú bảo em giờ chú không có nhiều dịp lên Thăng Long nữa. Chị à, gần đây các vương đều bận việc có đến được Vương Lâu thường xuyên nữa đâu. Hay là chị về Hải Đông với em nhé thì em đỡ phải ở lại Thăng Long, em cũng thích ở Hải Đông hơn.
Cô Đào nhìn cậu em họ chẹp một tiếng rồi vừa lắc đầu vừa cười nói:
- Chị làm sao mà phải bảo vệ. Mà chị về Hải Đông làm sao được nữa. Lại ngồi với đám đồng môn con nhà gia giáo nhưng nhưng tâm tư khốn nạn, thối nát ấy à? Tao đã đánh chửi chúng nó như thế, giờ sao có thể nhìn nhau được?
Đào Thuận đáp:
- Chị đừng n·hạy c·ảm quá, bỏ qua những chuyện đùa cợt nhỏ nhặt đó đi, chỉ là những lời vô tri thôi mà. Mọi người ở Hải Đông ai cũng mong ngày chị trở về.
Cô Đào nói:
- Đối với kẻ nói nó chỉ là một lời đùa, đối với người ngoài cuộc, nó chỉ là những lời vô tri, nhưng đối với người nghe nó là sự xúc phạm ghê gớm, có thể thay đổi cuộc đời của cả một con người đấy. Mày phải ở trong vị trí của chị mày mới hiểu. Mẹ kiếp, đi tới học đường tình cờ nghe được chúng nó kháo nhau rồi cười cợt, nào là "chúng mày xem công chúa với mấy con điếm khác nhau chỗ nào" nào là "sau Đào Thái bảo thì sẽ đến ai, có khi lần lượt hết cả nhà họ Đào cũng nên". Nào, nếu là mày, cha mẹ mày bị nói như vậy, mày có chịu được không. Tao đá cho một trận, chưa g·iết hết chúng nó là còn may đấy.
Đào Thuận đáp:
- Em hiểu, em hiểu mà. Chú Thạc Phụ cũng băn khoăn về việc này rất nhiều. Chú nói với em chú rất áy náy vì những việc mình làm lại ảnh hưởng đến chị. Chú nói giờ có việc gì xảy ra với chị thì trách nhiệm đầu tiên sẽ là thuộc về chú. Chú mua cả một căn nhà ngay đối diện Vương Lâu để bọn em lên ở và bảo vệ chị đấy. Chị à, chị vẫn biết nói chú và công chúa là cha là mẹ, tức là chị vẫn còn kính trọng hai người đó. Hay bỏ qua đi, chị em mình về Hải Đông. Ở đây là chốn xô bồ, ở lại mình mang tiếng ra chị.
Cô Đào đáp:
- Mang tiếng gì, chị giờ đây còn sợ mang tiếng nữa sao? Mang tiếng sống bằng những đồng bạc cắc từ thân xác mấy con điếm à? Mày đến mày xem đấy, tiền bạc chị vốn chẳng phải chờ đồng cắc nào từ bọn kỹ nữ cả, riêng tiền hát tao đã sống dư dả lắm rồi. Còn bọn kỹ nữ ở đây, chị chỉ cho chúng nó một nơi để ở, để ăn, để sống cho nó an toàn hơn, cho đỡ nhưng ngoài lê lết ở bờ sông bến nước thôi, chứ tao không bảo đứa con gái nhà lành nào đi làm gái hết cả, còn đám kỹ nữ nó cũng quen làm gái rồi, cũng chẳng có việc gì vừa kiếm sống lại vừa thỏa mãn được chúng nó cả. Người nào hiểu thì hiểu, mà chẳng hiểu tao cũng chẳng quan tâm. Nói thật với mày, ở đây chị được hát đúng như sở nguyện mà sống cũng cảm giác dễ chịu hơn là về Hải Đông. Thôi chị không về đâu.
Đào Thuận vẫn cố nài nỉ:
- Về với em đi chị, nếu chị không về cùng em cũng không về đâu. Em đã lãnh trọng trách với chú Thạc Phụ rồi.
Cô Đào lắc đầu rồi lập tức quay gót đi tiếp vào hậu lâu, không quan tâm tới người em họ đang đứng nữa. Đào Thuận đứng sững lại trong im lặng nhìn theo bóng người chị dần dần đi khuất.