Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗
Lê Dung
Unknown
Chương 126: Giao Thiệp
Qua tiết thu phân đã được mấy ngày, tiết hàn lộ đã đến.
Con nước ven hồ Lục Thủy dường nhưng lại càng trở nên trong xanh hơn.
Từng ngọn sóng theo làn gió nhẹ dập dịu mà mơn trớn mép nước, nhẹ nhàng đến nỗi không làm ướt một gọng cỏ nào.
Gò đất trên hồ tựa như một hòn cô đảo, nom quạnh quẽ mà đìu hiu đến lạ.
Lê Khôi ước gì lúc này mình cũng có thể an ổn không ai để ý như gò đất kia, tiếc là với địa vị của lão hiện tại nghe chừng khó, mỗi một hành động của lão đều có thể bị người khác thầm hiểu thành một loại thái độ, thông điệp thâm sâu nào đó.
Con người là một động vật có tính tương tác xã hội mạnh.
Tính tương tác xã hội lại được thể hiện qua hành vi xã hội.
Giả như trong quan trường ... mà không, trong giao tế nói chung, quan hệ là cả hai bên cùng vun đắp.
Tỉ dụ như gần đây Lê văn Linh thụ ý của Lê Khôi, Trịnh Khả trước sau ra mặt xử lý việc này việc kia.
Đó là tỏ thái độ, là nâng cao thể diện cho Lê Khôi, Trịnh Khả.
Vậy nên bây giờ Lê văn Linh có lời mời thì Lê Khôi phải lại quả.
Chẳng lý nào Lê Khôi có thể bỏ qua lời mời của Lê văn Linh, nếu lão làm thế thật thì dù ít dù nhiều Lê văn Linh cũng sẽ sinh ra ngăn cách trong lòng. Làn một lần hai quan hệ hai bên sẽ dần dần xuất hiện vết nứt, từ đó lòng tin tối thiểu của hai bên sẽ sụp đổ.
Dù muốn hay không thì Lê Khôi hoặc Trịnh Khả cũng phải có mặt, đó là cách mà mạng giao thiệp hoạt động.
Bọn mi nói cái gì? Lão đương rảnh rang buông cần ven hồ Lục Thủy nhân tiện liếc mắt đánh giá thân hình đám đào nương của Lạc Văn Hiên thì bị gia thần nhà Lê văn Linh bắt quả tang á?
Thuần túy là vu cáo!
Xe ngựa nhà Lê văn Linh không tính quá rộng rãi cũng chẳng phải nạm vàng khảm ngọc gì, thế nhưng lão già này thân là một tên hiếm hoi có tí chữ nghĩa trong đám vũ phu Lam Sơn, cách bài trí cũng có một phong vị khác.
Thân xe hết thảy đều làm từ gỗ Trắc, Lê Khôi đã thử gõ rồi, tiếng vang đanh chắc không một chút tạp âm, hẳn là không độn chút gỗ tạp nào.
Trong xe chạm trổ trăm tám mươi tôn phật tượng.
Lê Khôi chẳng phải Phật tử, thành ra lão cũng chẳng nhận ra Lê văn Linh cho người chạm trổ những vị nào trong xe.
Lão rón rén móc từ trong áo ra một chiếc bình nhỏ, mở nắp ra, một cỗ mùi rượu lan ra khắp khoang xe.
Đây là rượu hổ phách đã ủ trong thùng quá ba năm, hương rượu nồng nàn, vị rượu êm dịu.
Lê Khôi chẳng cần ly chén gì, cứ thế ngửa cổ lên làm một ngụm.
Thở ra một hơi dài thỏa mái rồi lại lắc nhẹ đầu, tần suất lão dùng rượu làm thư giãn đầu óc gần đây càng ngày càng cao.
Dẫu biét là không tốt đẹp gì cho sức khỏe nhưng chịu thôi, Lê Khôi cũng cực kỳ bất đắc dĩ.
Đã không thể đích thân cầm quân đi dẹp loạn thì cũng thôi đi, đàng này nhõn mấy con chuột nhắt ở thành Đông Kinh lão cũng không tiện đụng tới.
À không, nói cho chính xác ra là Nhập nội Kiểm sát ty không tiện đụng tới mới đúng.
Lê Khôi ra lệnh cho Nguyễn Cung trong vòng một tháng nắm trọn Lạc Văn Hiên trong tay, thế quái nào đến bây giờ vẫn chưa đâu vào đâu.
Hít sâu một hơi, Lê Khôi có chút sa sút lắc nhẹ đầu.
Lão phải bình tĩnh, công bằng mà xét chuyện này không thể trách Nguyễn Cung vô năng được.
Thành Đông Kinh không phải thành trấn Cẩm Giang - nơi mà lão nói “đông” thì cả tòa thành không ai dám nói nửa chữ “tây”.
Đường dây lợi ích trong tòa thành này dây mơ rễ má chằng chịt đâu phải nói gỡ là gỡ ngay được.
Muốn nắm Lạc Văn Hiên trong tay trước hết phải đến bù cho chư vị chủ nhân cũ của nó một cái giá tương xứng.
Không ra chút máu nào muốn chưởng khống một tụ điểm tình báo như thế nói nghe thì dễ.
Dùng vũ lực đe dọa à?
Cũng được thôi, thậm chí có thể nói những kẻ kia ước gì bọn Lê Khôi làm như thế.
Chỉ cần Lê Khôi sử dụng lực lượng phi thường quy thì các thế lực khác trên khắp đất Đại Việt này sẽ có cái cớ không thể hoàn hảo hơn để xé rào hàng loạt.
Lần trước Lê Khôi có thể thuận thế bò lên chức Lục quân Thái giám sao không phải là có kẻ phá hỏng luật chơi, sai người vây g·iết lão ngay đất Kinh Lộ!
Nếu không có sự kiện đó, đừng nói ngồi lên ghế Lục quân Thái giám, Thái Hậu muốn bố trí cho lão chưởng khống hơn một vạn Ngự tiền Võ sĩ cũng là chuyện trầy da tróc vảy chứ chẳng chơi.
Lại lạc đề rồi, quay lại chuyện xé rào.
Nếu Lê Khôi đủ ngu để hai tay dâng cơ hội mười mươi vào tay các thế lực khác như thế thì ai lại nỡ lòng bỏ qua cơ chứ.
Nghĩ đến tình cảnh đó, khóe mép lão khẽ đến không thể nhận ra run rẩy một cái.
Chơi trò ngu như vậy ngay cả Hoàng Đế cũng khó mà toàn mạng, huống chi một tên Thượng Hầu “nho nhỏ” như lão.
Tự dội cho mình một gáo nước lạnh, Lê Khôi nhét cái bình tông nhỏ hơn bàn tay một cỡ vào trong áo.
Xe ngựa đỗ ở cổng trước phủ Hương Thượng Hầu, một tên gia thần khác nhà Lê văn Linh đã đợi sẵn ngoài cổng.
Lê Khôi xuống xe, ánh mắt liếc nhìn gia thần nhà Lê văn Linh.
Lê Khôi đã nhận ra tên này, đều ăn cơm quân ngũ chục năm với nhau cả, sao lão lại chưa gặp qua cơ chứ.
Lê văn Linh thân là trí thức có thể kề vai sát cánh cùng Thái Tổ đi đến ngày cuối không thể không kể công đám thân binh này.
Gật đầu chào hỏi một tiếng, Lê Khôi rảo bước đi trước bước thẳng vào đại đường nhà Lê văn Linh.
Đúng ra với tầm cỡ đại thần như Lê văn Linh, công thần Lam Sơn hơn chín mươi người chỉ xếp sau Phạm Vấn, Phạm Văn Xảo, Lê Sát, Lê Ngân bốn người. Lại nổi tiếng tham tài thì phủ đệ không đến mức keo kiệt như thế.
Phải cái Lê văn Linh là Phật tử, tiền lương lẫn t·ham ô· quá nửa dùng để cung dưỡng chùa chiền, bố thí chúng sinh.
Thành ra kinh tế trong nhà tuy không coi là thiếu thốn gì nhưng xây cất thêm đình đài sảnh viện thì đúng là không phải muốn là được.
Lê văn Linh vừa thấy là Lê Khôi đến thì đích thân ra cửa, nắm tay lão đi một vòng giới thiệu từng vị khách một.
Khách của Lê văn Linh quá nửa là sĩ tộc, sư sãi, đạo sĩ các thứ.
Nếu Lê Ý mà có mặt ở đây hẳn là sẽ đưa ngón tay cái lên khen lão già này quả là phát huy nhuần nhuyễn cái gọi là tam giáo đồng nguyên.
Đại lão trên triều như Lê Khôi thì chẳng mảy may quan tâm mấy đám mèo mèo c·h·ó c·h·ó này.
Từ cuối thời họ Trần đến nay bất kể là Phật hay Đạo đều đua nhau xuống dốc.
Bốn năm mươi năm qua qua Đại Việt không đản sinh ra được thêm bất cứ một A-la-hán hay chân nhân nào nữa.
Tăng đồ đương đại phần nhiều là phường ít tri thức, lười tu học.
Phật pháp đối với những kẻ này chẳng qua là một dạng huyền nghi theo hình thức mà thôi.
Những bậc thức sĩ - nếu có - cũng chỉ coi Phật pháp như là một nơi để những người chán nản trong nhân sinh, bất bình với thế cuộc tìm đến để tiêu dao tháng ngày, mượn cảnh an tĩnh nơi chùa am hòng gác lại suy tư mà thôi.
Những kẻ đó, bất kể là có học hay vô học cũng nào phải là thấu hiểu hồng trần, mến mộ cái chánh pháp của Phật gia mà tu hành, ngộ đạo gì!
Tăng đoàn, ni đoàn như thế thì lấy đâu ra chính đạo, chân lý mà dẫn đường chỉ lối cho chúng sinh nữa?
Đó là một trong những lý do năm Thuận Thiên thứ hai (1429) Thái Tổ phải mở cả một kỳ thi khảo hạch trình độ tu học của tăng đoàn nói riêng và giới xuất gia tu tập nói chung.
Ầy, nói bậy cái gì lời nói thật! Thái Tổ một đời quang minh chính đại, vĩ ngạn đàng hoàng sao lại có thể bày trò mượn cớ dẹp bớt tay chân của hai nhà Phật, Đạo được.
Những ý tưởng đang nảy nở trong đầu bọn mi thuần túy là vu khống!
Lại càng không có chuyện Thái Tổ ngứa mắt đám chùa chiền đạo quán được miễn tuế thuế nên tiện tay đuổi bớt đám ngụy sư ngụy đạo kia về vườn. Lũ chúng bây phải tin tưởng vào nhân phẩm của đức Thái Tổ, hà hà ...
Chung quy lại thì sau cuộc thi sát hạch của triều đình, sư sãi, đạo sĩ trong nước giảm đi hẳn.
Chỉ những người có thực học, nắm rõ được chánh pháp thì mới được xuất gia tu hành.
Kể cả như thế vẫn không ngăn được từ vua đến dân đều dần coi chánh pháp của đấng giác ngộ (Bụt Đà/ Buddha) thành một thứ thần thông, phép lạ gì đó.
Năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) trời đại hạn, vua lại ra sắc rước Phật tượng từ Pháp Vân tự về Báo Thiên tự, lại xuống chiếu cho tăng ni tụng kinh cầu mưa.(1)
Từ đó từ vua quan phía trên đến con đỏ bên dưới đều coi đức Thích Ca trở thành một loại thần thánh.
"Quả là thời đại mạt pháp, lắm điều châm chọc!"
Ngày trước Lê Khôi cũng ham việc chùa miếu lắm, mãi đến khi Lê Ý tỏ ra sư phụ nó không yêu thích việc chúng sinh ngu muội thờ cúng đám tượng đất, lão mới thôi.
Đầu năm nay nếu tâm tình tốt thì mồng một mười lăm hằng tháng lão vẫn lên chùa miếu dâng hương.
Ai bảo bà Vân vẫn ham đi cầu khẩn điềm lành cơ chứ, thành ra lão cũng phải chiều ý vợ cho yên cửa yên nhà.
Hơn nữa ngẩng đầu ba thước có thần linh, nói đâu xa, sư phụ của thằng quý tử nhà lão chính là tiên nhân hàng thật giá thật đây này.
Còn chuyện tu tập, gần đây thi thoảng lão có thư từ qua lại với mấy bị cao tăng Thượng tọa bộ từ A Ngõa (Ava) theo thương đoàn đi về phía đông truyền giáo, hiện đang có ý xây dựng tu viện ở cảng Nghi Sơn.
Không dám nói uyên bác gì, ít nhất ngay thời điểm này lão đã bắt đầu cảm nhận được vì sao hữu thức chi sĩ coi đức Thích Ca là thánh nhân, là bậc giác ngộ chứ không phải thánh thần. Tính ra lão cũng được lợi không nhỏ.
Trong bụng nghĩ như thế, ngoài mặt Lê Khôi vẫn treo điệu cười giả trân tiếp tục thăm hỏi.
- ...
- Chú Thận thân thế vẫn được chứ? ... Kiện khang là tốt lắm rồi, lũ chúng cháu chỉ mong đến tuổi chú vẫn quắc thước như này là tốt lắm rồi, hà hà ...
- Lão Soạn à, lâu ngày không gặp, vẫn hèn mọn như ngày nào chứ hả, há há ...
- ...
Vừa hỏi thăm Lê Thận xong Lê Khôi lại chạm mặt Lê Soạn.
Lão già này giữ chức Nam Đạo Hành khiển, có thể nói là quan to một cõi, không biết có hệ sự gì lại về Đông Kinh ăn tiệc nhà Lê văn Linh.
Chào hỏi đâu vào đấy rồi Lê Khôi mới ngồi vào chỗ, ngồi xuống mới nhận ra ngay bên cạnh lão là một hòa thượng trắng trắng mập mập đang sắp sửa phát thề phải quyết một trận sống mái với mâm đồ chay trước mặt.
Lê văn Linh là Phật tử mà, có hòa thượng trong yến tiệc nhà lão không có gì lạ, hiềm một nỗi là tướng ăn của tên hòa thượng này có chút ... mà thôi!
Lê Khôi đánh mắt thấy khách khứa chung quanh bất kể là phật hay đạo đều coi như không có gì.
Xem ra tên này không đơn giản, Lê Khôi cũng không phạm tiện, cầm đũa lên gắp một ít thức ăn chay chậm rãi nhấm nháp.
Hai mắt Lê Khôi chợt trợn trắng lên.
“Đèo mẹ, hương vị này là của cái Lan - trù nương nhà mình ở Nghi Sơn mà! Lão già vô sỉ này!!!”
Thấy Lê văn Linh vẻ mặt hiền hòa bước đến, Lê Khôi đang cân nhắc có nên “tay hung đánh mặt cười” hay không đã nghe Lê văn Linh giọng có lỗi nói.
- Huệ Hồng Đại sư, hôm nay khách khứa quá nhiều, trù nương chỉ có một, vậy nên thức ăn ra hơi chậm một chút, mong đại sư chớ quở trách!
Lê Khôi liếc mắt nhìn tên hòa thượng béo bên cạnh, vẻ mặt ngoài ý muốn.
Lê văn Linh đường đường là nguyên lão ba triều, vậy mà lại xin lỗi một tên hòa thượng.
Lửa bát quái thành công bị người nhen nhóm trong ruột Lê Khôi, lão ghé miệng vào tai Lê Thận bên cạnh nhỏ giọng rì rầm to nhỏ một hồi.
"Ra là tên hòa thượng này!"
Đầu cua tai nheo rõ ràng xong, Lê Khôi không khỏi ánh mắt hơi ngưng.
"Kẻ này không đơn giản!"
Số là mấy năm trước có hạn lớn, Hoàng Đế mấy lần xuống chiếu thỉnh tội với trời đều không có ích gì, Lê Nguyên Long cùng đường, liền bày đàn chay mời Huệ Hồng đến niệm kinh cầu mưa, thế mà lại hiệu nghiệm thật.
Lê Nguyên Long lấy làm hài lòng, bèn giữ lại trong kinh coi là chỗ thân quen, có việc pháp sự gì đều để cho vị này đăng đàn cả.
Sau hòa thượng Huệ Hồng này lại đích thân chủ trì lễ điểm nhãn cho tượng thờ của Gia Thục Thái hoàng Thái hậu (bà nội của Thái Tổ Lê Lợi, bà cố nội của Lê Nguyên Long, Lê Khôi v.v.) (2)
Có thể nói là vinh sủng có thừa, thánh ân không dứt.
Những năm đó Lê Khôi vẫn đang trấn thủ Thuận Hóa, thành ra không dự đại lễ điểm nhãn tượng thờ của bà cố nội nhà mình nên không biết mặt Huệ Hồng.
Lê Khôi nghe Lê Thận khoa trương Huệ Hồng đại sư lợi hại thế nào một lát thì ngoáy ngoáy tai, khinh thường nói.
- Năm đó không phải bọn Lê Sát, Lê Ngân cho g·iết mấy tên ác nhân hạo thiên mới thương tình bố thí cho mấy giọt mưa à?
Lê Thận gãi gãi mũi, ngượng ngùng nói.
- Chém kẻ ác cố nhiên là lấy lòng được hạo thiên mà ban mưa xuống. Hiềm một nỗi g·iết một thằng Cao Sư Đãng chỉ đủ đến một trận mưa nhỏ. Muốn hạo thiên hạ mưa lớn giải khát cho sinh dân chẳng phải là phải g·iết đến mức xương người chất đầy đường khó đi sao!(3)
Lê Khôi nghe thế, nhếch mép cười.
- Thế cũng không thể quy hết công cho đám hòa thượng kia được. Nói như vậy chẳng phải tát vào mặt bọn tể phụ trên triều hay sao? Dù Sát và Ngân đã bị trị đúng tội, tuy nhiên chuyện nào ra chuyện đó. Cái công tru ác cầu mưa to lớn lắm, không phải ai cũng nuốt trôi được đâu!
Lê Thận che mặt, khẽ đến không thể lại khẽ nhích xa khỏi Lê Khôi một chút.
Lý là như thế, nhưng Huệ Hồng đang ngồi ở đây, nói ra lời ấy chẳng phải là muốn gây sự với hắn hay sao!
Sợ cái gì cái đó đến, Lê Thận hé mắt liếc qua Huệ Hồng, quả nhiên thằng này buông đũa xuống đến trước mặt lão cùng Lê Khôi, chắp tay vái nói.
- Bần tăng Huệ Hồng, gặp qua hai vị Hầu gia!
Chú thích:
(1) ĐVSKTT, Bản Kỷ, Quyền XI, tờ 7a.
(2) ĐVSKTT, Bản Kỷ, Quyền XI, tờ 28b, 29a.
(3) ĐVSKTT, Bản Kỷ, Quyền XI, tờ 10a, 10b, 11a.
“Chém người thợ của cục Tả ban Tất tác là Cao Sư Đãng.
Bấy giờ, điều động thợ ở các cục tất tác làm chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề, Sư Đãng phải làm lụng vất vả, nói vụng rằng:
"Thiên tử không có đức, để đến nỗi h·ạn h·án. Đại thần ăn của đút, cử dùng kẻ vô công, có gì là thiện đâu mà phải làm chùa to thế".
Bị người cáo giác. Đại tư đồ Lê Sát giận lắm. Quan thẩm hình Nguyễn Đình Lịch nói:
"Nó dám nói càn đến việc nước, nên chém!"
Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ đều xin tha tội c·hết, vua sắp nghe theo, thì Sát nói:
"Trước đã nghe lời bọn Thiên Hựu không g·iết Nguyễn Đức Minh, để rồi nó bỏ thư nặc danh vu cho nhau, nay lại định tha thằng này thì làm thế nào cho đứa khác răn sợ?"
Bọn Thiên Hựu không dám nói nữa. Bèn chém Sư Đãng. Ngay hôm ấy vừa gặp có mưa nhỏ. Hôm sau, Sát nói trong triều rằng:
"Nếu nghe lời ngôn quan, làm gì có trận mưa ấy?"
Lê Ngân nói: "G·i·ế·t nhiều kẻ ác thì được mưa nhiều, chỉ có điều xương người chất đầy đường khó đi thôi."