Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗
Lê Dung
Unknown
Chương 166: Sơ Đàm
Cầm Sương không thất thần quá lâu, thấm một ngụm nước chè, hắn nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, chỉ có giọng vẫn hơi khàn khàn bộc lộ tâm linh của hắn đang không bình tĩnh như vẻ ngoài.
- Đó là vinh quang của người Kinh các ngài, liên quan gì đến người Thái bọn mỗ?
Lê Niệm ôm bụng cười sằng sặc, cả doanh trướng hơn hai mươi cái đầu đều ngoái lại nhìn hắn. Thằng này chả để ý, cười đến chảy cả nước mắt rồi mới khó nhọc dựa lưng vào ghế châm chọc hỏi Cầm Sương.
- Mi cho rằng cái gì gọi là dân tộc?
Thấy Cầm Sương có vẻ vẫn chưa hiểu câu hỏi của mình lắm, Lê Niệm lại nói.
- Ý ta là, theo mi thì người Thái là gì? Hay đúng hơn là, những đặc điểm gì tạo nên cái gọi là dân tộc Thái?
Cầm Sương không chút nào do dự nói.
- Là ngôn ngữ, là văn hoá, là dòng máu, là lịch sử của dân tộc chúng ta.
Lê Niệm nghiêng người hỏi.
- Ý mi là ... người Thái là một cộng đồng thống nhất về sắc tộc chia sẻ các giá trị chung về văn hóa chứ gì?
Cầm Sương gật đầu, người Thái là độc lập, là riêng có, là tự chủ với nền văn hóa đặc sắc của riêng mình, không thể bị pha trộn, đây chính là tín niệm của hắn.
Lê Niệm cười nói.
- Người Ngô từ khởi nguyên vốn là bộ lạc Hữu Hùng (Hiên Viên thị) đánh bại rồi thôn tính bộ lạc Khôi Ngôi (Thần Nông thị) vào bộ lạc của mình, người Ngô xưng là con cháu Viêm Hoàng là vì lẽ ấy. Sau này bọn chúng lại sáp nhập thêm người Đông Di, người Nam Man vào mà thành. Cái gọi là “lễ nghi chi đại, xưng là Hạ, phục chương chi mỹ, xưng là Hoa” không ngoài như thế. Mi có thể nói hậu duệ bộ lạc Khôi Ngôi, người Đông Di, người Nam Man không phải con cháu Hoa Hạ sao?
Cầm Sương nhíu mày.
- Ý ngài là?
Lê Niệm thỏa mái nói.
- Nghĩa là cái khái niệm của mi về cái gọi là người Thái là riêng có về huyết thống, về văn hóa bản thân nó không vững chắc. Người Thái cũng giống người Ngô, người Lạc v.v. đều do những người có huyết thống, văn hóa khác nhau hợp thành. Không ngại mi chê cười, người Lạc chúng ta ban đầu cũng ở nhà sàn giống bọn mi, sau này bị hòa lẫn về huyết thống lẫn văn hóa với người Ngô, hiện tại không ở nhà sàn nữa.
Cầm Sương kiêu ngạo nghểnh cổ lên.
- Đó là người Lạc các ngài, người Thái chúng ta sẽ không bao giờ như thế!
Lê Niệm cười xòa, châm chọc nói.
- Mi chắc chứ? Thế hơn mấy chục vạn người Thái di cư xuống Lạc Việt hòa huyết với người Lạc thời An Dương Vương lại là cái gì? Đừng nói với ta Thục Phán không phải là người Thái, hơn ngàn năm qua đi nhưng trong tiếng nói của người Lạc chúng ta vẫn còn nhiều dấu tích của ngôn ngữ Thái lắm đấy!
Cầm Sương há mồm toan cãi, nhưng cuối cùng vẫn không tìm được lý lẽ nào. Thục Phán là người Thái, đây không phải bí mật gì, người Thái dưới tay Thục Phán hòa huyết với người Lạc ở dưới xuôi càng là sự thực không thể chối cãi.
Không đợi Cầm Sương phản bác, Lê Niệm lại nói.
- Nếu cái khái niệm dân tộc Thái mà mi nói nó vững chắc như thép thì đã chẳng có người Thái Đen cùng người Thái Trắng ở Hưng Hóa, đã chẳng có người Tày cùng người Nùng ở Tuyên Quang, Lạng Sơn, đã chẳng có người Lê cùng người Tráng ở Lưỡng Quảng v.v. Những phân chi đó của người Thái chẳng qua là tiếp nhận những tác động khác nhau về huyết thống cùng văn hóa mà diễn tiến ra thôi.
Cầm Sương nào có dễ bị dắt mũi như vậy, cười lạnh.
- Người Lạc các ngài thì sao?
Lê Niệm sảng khoái gật đầu thừa nhận.
- Người Lạc chúng ta cũng không khác gì bọn mi, người Kinh cùng người Mường chính là người Lạc cổ bị phân tách mà có.
Cầm Sương được thế không tha người.
- Nói như vậy ngài cố tình nhắc đến vấn đề dân tộc có ý nghĩa gì?
Lê Niệm cười xòa.
- Có chứ sao không, ta không cho rằng mi ngu đến độ không nhận ra những lời ta nói đều nhằm khẳng định một sự thực.
Giọng hắn dần trở nên nghiêm túc.
- Dân tộc, bản thân nó là một thứ thiện biến luôn luôn diễn tiến không ngừng. Dân tộc luôn luôn trong quá trình tự phân liệt và dung hợp không có hồi kết. Hôm nay mi là người Thái ta là người Lạc nhưng ai biết được, ngày mai cả hai chúng ta có thể sẽ ở chung trong một cộng đồng, một dân tộc mới thì sao? Không phải người Ngô thích gọi tất cả các dân tộc ở miền nam sông Dương Tử là Bách Việt sao, dân tộc mới, cứ gọi là người Việt cũng được. (1)
Cầm Sương cũng không phản bác, ngồi dựa vào lưng ghế lạnh nhạt.
- Thế nên?
Lê Ê tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn, cất tiếng trả lời thay Lê Niệm.
- Thế nên người Thái và người Lạc có khác vốn chẳng phải vấn đề, tốt nhất là mi dẹp mẹ cái lý luận mi là người Thái khác máu tanh lòng với người Lạc đi! Chúng ta có thể chung tay xây dựng một nền thịnh thế trước nay chưa từng có, hắt hào quang của mình vào dòng sông lịch sử!
Thấy Lê Niệm còn muốn nói gì, Lê Ê chỗ nào còn không rõ, Lê Niệm là muốn sử dụng lợi ích tương lai đánh động thằng này.
Phương pháp đó có hiệu quả sao?
Có!
Nhưng rắc thính cho cá biết hơi mồi như thế là đủ rồi, trước hết phải giải quyết chuyện nổi loạn của người Thái cái đã.
Chưa dẹp được loạn Hưng Hóa thì tróc cả da mép cũng là nói suông cho vui mà thôi.
- Niệm, không vội! Chuyện tương lai bọn chúng có thể góp sức lan truyền hào quang triều đình khắp bốn phương hay không tạm thời gác lại chưa bàn. Bây giờ đi vào thực chất, nói chuyện trước mắt đi, hôm nay ở đây chúng ta ngồi với nhau nói chuyện lợi ích!
Lê Niệm cực kỳ biết điều ngậm mồm không nói gì nữa, lúc này Lê Ê mới nhìn thẳng vào mắt Cầm Sương lôi lệ phong hành nói.
- Ý chí của mi là như thế nào? Thẳng thắn điều kiện với nhau, nếu thiện thì mi trở về làm c·h·ó canh nhà cho triều đình, không thiện thì tiếp tục đánh trận, đánh đến khi nào mi hoặc triều đình chấp nhận nhân nhượng thì thôi.
Cầm Sương gãi gãi mũi, cần phải thẳng thắn như thế sao, hơi trải qua cân nhắc thăm dò nói.
- Chúng ta mong mỏi triều đình có thể rút quân về xuôi, lại bãi bỏ các chính sách từ những năm Thiệu Bình. Bù lại, giống như thời chúa Thái Xa Khả Tham - Hưng Hóa sẽ một lần nữa trở thành phiên dậu của triều đình.
Chính sách từ những năm Thiệu Bình về cơ bản là đẩy mạnh trao đổi hàng hóa giữa các châu kimi với triều đình, lại quy định các tù trưởng, quan lang hai lần một năm xuống Đông Kinh triều kiến.
Cầm Sương nói ra lời ấy vào tai người không biết chiến cuộc còn tưởng quân triều đình đại bại bị đuổi về Bài Mộc rồi không chừng.
Bọn Lê Niệm, Đỗ Lam vẻ mặt hài hước, Lê Ê không mặn không lạt nói.
- Được rồi, chúng ta có thể rút quân, nhưng so với điều kiện của bọn mi thì yêu cầu của triều đình hơi khác. Thứ nhất, các quan lang, quan khun của mười sáu xứ Thái mỗi năm hai lần về kinh triều kiến thiên tử. Thứ hai, mỗi một xứ Thái đều phải đưa thế tử, người thừa kế của mình xuống xuôi học tập, các quan lang, quan khun tương lai nhất định phải là những kẻ này. Thứ ba, mỗi ba năm một lần mười sáu xứ Thái phải làm sổ ruộng, sổ đinh báo cáo lên triều đình. Thứ tư, đường thủy dọc theo bờ Đà Giang, đường bộ dọc theo hành lang từ Mường Sang lên đến Mường La phải kiến tạo hai cung đường có khả năng kết nối đến trung tâm mười sáu xứ Thái. Thứ năm, người Thái không được ngăn cản thương lái người Kinh lên các bản, chiềng, mường buôn bán dưới bất kỳ hình thức nào, theo bất cứ cách hiểu nào. Thứ sáu, mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu mỗi mường phải cung cấp trai tráng phục quân dịch cho triều đình, tùy vào quy mô lớn nhỏ của mường mà lấy ít hay nhiều. Ít thì một trăm, nhiều thì hai trăm, thời gian phục dịch là hai năm. Thứ bảy, nếu triều đình có việc chinh chiến ở phía tây thì mười sáu xứ Thái có nghĩa vụ cung cấp lương hưởng, binh mã theo hầu. Thứ tám, mười sáu xứ Thái phải cắt đứt toàn bộ liên hệ với Vạn Tượng. Thứ chín, tương tự như Mường Sang, triều đình sẽ đóng hai vệ quân lần lượt ở Mường Thanh cùng Mường La, giá·m s·át chư Thái.
- Không được! (x13)
Lê Ê vừa nói xong liền có mười mấy tiếng gầm thét đồng loạt vang lên.
Lão chả có vẻ gì là nề hà bọn này thất lễ, ánh mắt khẽ đảo quanh một vòng, đoạn lạnh nhạt nhấc chén trà lên nhấp một ngụm, không vội không chậm nhắm mắt dưỡng thần.
Liên quan đến vấn đề trực trị hay ủy trị, Lê Ê cũng đã nhiều hơn một lần bàn bạc với bọn Lê văn Linh, Trịnh Khả.
Bản thân chính sách của triều đình từ thời Thiệu Bình chính là nhát búa tạ phá vỡ quy tắc “nước sông không phạm nước giếng” đã tồn tại ba bốn trăm năm nay trong quan hệ giữa triều đình và các châu kimi.
Hôm nay bản yêu sách chín điểm này còn đi xa hơn, không có điều nào không công kích đến tận gốc rễ của các châu kimi, nhằm mục đích thực hiện trung ương tập quyền một cách triệt để.
Không đời nào đám thổ tù chấp nhận sự thay đổi đơn phương này.
Sẽ có người nói “không phục thì g·iết, g·iết đến khi nào phục thì thôi”.
Lê Ê cũng rất muốn làm như thế, hiềm một nỗi ngay cả người Ngô cũng không đủ năng lực để g·iết hết lớp này đến lớp khác kiểu đó.
C·h·ặ·t· ·đ·ầ·u đám thổ ty cũng được thôi, tuy nhiên chặt xong rồi vẫn phải dựng những kẻ khác lên thay thế. Năm xưa Thái Tổ c·hặt đ·ầu Đèo Cát Hãn vẫn phải cho Đèo Mạnh Vượng lên làm chủ Mường Lễ đó thôi.
Những kẻ thay thế này, bọn chúng rồi sẽ lại trở thành thổ ty, vẫn phải tuân phục theo lợi ích mà vị trí đó đại diện.
Haiz … một vòng luẩn quẩn!
Trừ khi triều đình đủ sức di chuyển mấy chục gần trăm vạn dân từ Kinh Lộ lên các lộ, các trấn biên viễn khai hoang lập làng dựng trấn, để người Kinh lên sống lẫn vào thổ dân làm chỗ dựa cho quan quân. Nếu không, chỉ trông vào sức răn đe của các vệ quân ít ỏi miền biên viễn e rằng khó thành.
Lê Nguyên Long đưa hai ngàn quân Ưng Dương lên Mường Sang, lại có ý định để chúng đem theo gia quyến sao không phải là một loại thử nghiệm cơ chứ.
Tiếc là Lê Nguyên Long chưa kịp đưa gia quyến của quân Ưng Dương lên Mường Sang thì băng, vậy nên triều đình chưa có cơ sở thực nghiệm vững chắc để đi đến quyết định trọng đại này.
Chuyện cai trị mà, sao làm ẩu được!
Triều đình chưa dám quyết đưa mấy chục gần trăm vạn dân Kinh lên sống cùng thổ dân, thế nhưng lại cần vận dụng nhân lực vật lực ở các châu kimi làm những chuyện triều đình mong muốn.
Thành ra, đến cuối cùng thì triều đình cũng sẽ phải tìm một điểm cân bằng mới với đám địa đầu xà thôi.
Lê Ê không ngại thỏa hiệp, từ ngày chuẩn bị bước chân lên đây lão đã chuẩn bị tâm lý xuống nước với đám thổ ty rồi.
Cái tinh tế là phải biết giữ phân tấc, làm sao để điểm cân bằng đó có thể chấp nhận được với m·ưu đ·ồ của triều đình.
Đúng là thành Đông Kinh cần đám thổ ty để kiểm soát biên viễn đấy, nhưng vì lẽ ấy mà nhân nhượng quá đáng thì không khác gì bỏ gốc lấy ngọn.
Bọn Lê văn Linh cũng đồng ý với ý kiến của lão, vậy nên lần này lên Hưng Hóa không gian đàm phán của lão có thể nói là cực kỳ thỏa mái, lằn ranh đỏ chỉ có chính sách từ thời Thiệu Bình. Nghĩa là điều thứ nhất (mỗi năm hai lần triều kiến) thứ tư (mở rộng giao thông) cùng thứ năm (mở rộng buôn bán) mà thôi.
Những điều còn lại dù ít dù nhiều đều có thể thỏa hiệp.
Lê Niệm thấy Lê Ê nhắm mắt dưỡng thần liền trầm giọng nói với Cầm Sương.
- Cơ bản chỉ có thế, bây giờ chúng ta có thể bắt đầu đàm phán được rồi.
Cầm Sương không có vẻ gì là vì chín điều yêu sách của triều đình mà nóng giận, cười nói.
- Xem ra mưu cầu của hai bên thực sự rất khác biệt.
Lê Niệm gật đầu cười cười, thái độ cực kỳ ôn hòa.
- Thế nên chúng ta mới ngồi ở đây!
Cầm Sương khẽ gật đầu rồi lại lắc lắc. Dẫu biết đúng là hôm nay đến đây để đàm phán, thế nhưng điều kiện của triều đình khiến hắn thực sự rất khó làm á.
- Điều đầu tiên Sương không có ý kiến gì, thân là thần tử mỗi năm hai lần về kinh triều kiến thiên tử là hiển nhiên. Bắt đầu từ điều thứ hai, Sương không kìm được lòng lo lắng. Đưa người thừa kế về Đông Kinh học tập, điều này không phải không đúng, Sương cũng biết các nhà quyền quý ở dưới đấy cũng chỉ hận không thể nhồi nhét thêm con cháu vào Quốc tử giám. Thế nhưng chuyện trên đời không chỉ bàn đúng sai, còn bàn điều kiện thực tế. Có những thứ ở dưới xuôi có thể làm được chưa hẳn ở Hưng Hóa cũng là thích hợp. Thứ cho Sương nói thẳng, điều này rất khó, mong chư vị đại nhân nghĩ lại.
Lê Ê hé mắt, khẽ đến không thể lại khẽ gật đầu một nhịp, nói.
- Điều này có thể bàn lại, nếu không phải người thừa kế thì thay bằng trực hệ khác cũng không phải là không thể.
Cẩn thận cân nhắc một lát, Cầm Sương gật đầu ra hiệu điều này có thể.
Cứ như thế, hai bên dựa vào lý lẽ cùng tình hình thực tế mà biện luận, đến sát giờ ăn trưa, đã đàm xong quá nửa.
- …
- Lại nói đến chuyện quân dịch, Sương cũng có nghe qua. Công tâm mà xét, đó quả thực là phép hay, nếu thành công hẳn là có thể giúp cho triều đình nâng cao chất lượng cho quân ở các lộ, các trấn. Có thể nói là hơn hẳn sương quân của phép ngụ binh ư nông vậy. Chỉ có điều … lấy thiển kiến của Sương mà xét, việc này tiêu hao quá lớn, áp lực chi tiêu lên triều đình hẳn Là không nhỏ. Giờ lại cho đòi thêm bốn năm ngàn trai tráng Thái mỗi năm tham gia sợ là không phù hợp lắm, chi bằng ...
Lê Niệm cười ha hả.
- Hoàn toàn chính xác, triều đình làm việc này hao tổn nhân lực vật lực không biết bao nhiêu mà kể. Tuy nhiên, không nhọc công Cầm đại nhân lo lắng hộ triều đình. Lương tiền trên triều đúng là có khó khăn, nhưng vốn liếng triều đình sao mà thâm hậu, điều động thêm vài vệ quân lên Hưng Hóa vẫn không có vấn đề gì! Bốn năm ngàn miệng ăn mỗi năm lại đáng là gì chứ, ngài nói có đúng không, CHÚA THÁI!
Liên quan đến vấn đề chi tiêu, từ giữa năm tới nay triều đình đã bàn thảo nát lối rồi.
Số là năm ngoái Lê Nguyên Long đã cho trưng tập lương thảo khí giới, lại cho duyệt binh ở xứ đông chuẩn bị nhân Chiêm Thành có vua mới, tình thế chưa vững mà nam chinh.
Chỉ đợi gió mùa đông bắc thổi là cất quân vào đánh Chiêm Thành.
Cuối cùng Lê Nguyên Long lại băng, kế hoạch chinh phạt dang dở, lương hưởng tồn trong kho rất nhiều, đây cũng là lý do Lê Khôi tự tin đề xuất hai kế hoạch lớn cùng một lúc.
Số lương hưởng đó mà không dùng cho quân dịch thì không những đủ cho triều đình dùng ít nhất hai quân Thiết Đột lên dẹp loạn Hưng Hóa mà còn đủ cho năm sau dùng chí ít ba vạn tinh binh đánh Chiêm Thành.
Lê Niệm đột nhiên kính xưng với Cầm Sương, Cầm Sương sao lại không nghe ra ý đe dọa trong lời thằng này cơ chứ, thế nhưng hắn vẫn không sợ, mặt không b·iểu t·ình nói.
- Xem ra tố cầu của cả hai bên quá khác biệt, không thể đàm tiếp nữa, chỉ có thể gặp nhau trên chiến trường!
Lê Niệm thấy thằng này diễn nhập tâm như thế trong bụng cười thầm, mặt ngoại thì thỏa mái đứng dậy làm tư thế mời nói.
- Không sao, Cầm đại nhân không ngại ở lại làm bát tiết canh dê rồi hẵng về.
Cầm Sương từ chối nhã nhặn, thầy trò Lê Ê nhìn thằng này một bộ sao cũng được, không vội không chậm đem người của mình rời khỏi đại doanh triều đình về Mường La nín cười cực kỳ khổ sở.
Lê Niệm quay sang Đỗ Lam nói.
- Há há ... Nếu không phải biết rõ Mường Thanh đã sắp chịu không nổi nữa không chừng bị thằng này xỏ dây vào mũi! Anh Lam đoán xem, bao lâu nữa thằng này sẽ quay trở lại đàm phán?
Đỗ Lam hơi nhăn mày.
- Tình hình Mường Thanh không phải đã rất gấp rồi sao, hẳn là vài ba ngày tới đi!
Lê Niệm lắc nhẹ đầu cười nói.
- Chí ít là năm ngày, có thể là bảy ngày hoặc hơn.
Lê Ê lúc này cũng chen ngang vào, cười hỏi.
- Căn cứ vào đâu mà mi dám khẳng định như vậy?
Lê Niệm sải bước về phía bản đồ, chỉ vào Mường Thanh tự tin nói.
- Tình thế hiện tại, nếu mạt tướng là Cầm Sương, muốn có thời gian đàm phán chỉ có cách cho vài nghìn quân nai nịt gọn gàng về Mường Thanh trước. Từ Mường La về Mường Thanh gần bốn trăm dặm đường núi, quãng đường này nếu dùng tinh binh nai nịt gọn gàng chỉ cần sáu đến bảy ngày là tới. Có đám quân tiếp viện này Quân Thái Đen ở Mường Thanh có thể chặn quân Xa Lý chí ít nửa tháng.
Lê Ê gật đầu không hỏi nữa, duy chỉ có Đỗ Lam vẫn chưa hiểu mô tê chi cả.
- Hắn câu kéo thêm vài ngày làm gì?
- Hậu cần! Ngay từ thời điểm đại quân rời khỏi thành Đông Kinh đã có người "hảo tâm" thông báo cho bọn chúng biết lương hưởng của đại quân đủ dùng bao nhiêu ngày. Trừ đi số tiêu hao lẫn số bị đốt cháy trong trận Việt Châu, thằng này có thể dễ dàng ước lượng được đại quân còn bao nhiêu ngày lương. Càng câu giờ đến gần ngày đại quân hết lương hắn càng có lợi thế trên bàn đàm phán.
Đỗ Lam bĩu môi.
- Đây là mi suy đoán chứ!
Lê Niệm nhún vai, ngậm miệng không phản bác.
Đúng lúc này Đinh Phúc từ sau trướng vội vàng bước ra chắp tay với Lê Ê, thấp giọng nói.
- Tin vừa nhận được, sáng nay hơn ba ngàn quân của Cầm Thịnh đã nai nịt gọn gàng ra khỏi Mường La, đánh tiếng là về Mường Muổi đề phòng Đèo Mạnh Vượng cay cú làm càn nhưng hẳn là lên đường trở về Mường Thanh.
Lê Ê lần nữa trở nên hoạt bát, gật đầu.
- Hà hà ... Thằng này đúng là có một chút bóng dáng của cha nó, nếu không phải chúng ta nắm rõ tình hình trong tay thì đã bị diễn xuất của thằng này lừa rồi! Tình thế trước giặc sau gian, nguy như ngàn cân treo sợi bún mà vẫn giữ được mặt ngoài lạnh như tiền thế này không phải hạng xoàng đâu. Giữ lại được mà sử dụng là hơn, c·hết thì tiếc quá!
Đinh Phúc hơi hơi nghĩ ngợi, khẽ nói.
- Nếu Cầm Sương biết điều thì lưu lại một mạng cũng không phải là không thể được. Chỉ là thằng này rất có tín niệm, e rằng khó!
Hùng chủ, bất kể là ở phe mình hay phe địch đều không phải loại tốt lành gì, không dung hắn không nghiêm túc cân nhắc.
Nếu ở phe đối địch, loại người này thường có thể tự tay đánh ra một phen cơ nghiệp, phả hơi nóng hừng hực vào gáy khiến phe ta không lấy gì làm dễ chịu.
Ngược lại, ở phe mình cũng chưa hẳn đã là chuyện hay.
Hồi còn mồ ma Lê Nguyên Long, thằng này cái gì cũng muốn làm.
Năm trước nghe Lê Ý đầu tư hỏa khí, kiến thiết tân quân, Lê Nguyên Long cảm thấy điều này quan trọng, nhất định phải làm.
Năm sau đọc tấu biểu của Nội mật viện thấy đào vét kênh mương, khai thông thủy lợi là việc tốt, cảm thấy cũng quan trọng, thế là Lê Nguyên Long lại muốn đại triển quyền cước.
Năm sau nữa lại nhận được báo cáo của Nguyễn Cung về mô hình canh tác lúa mới ở Cẩm Giang, sản lượng rất cao, cảm thấy không tệ liền muốn mở rộng ra cả lộ Thanh Hóa.
Bên trên há miệng nói càn, bên dưới chạy gãy chân không ngoài như vậy. Giả như nói suông mà thành được đại sự thì cũng thôi, hiềm một nỗi phàm là chính sự chuyện gì cũng cần đến tiền.
Bi kịch ở chỗ, Đại Việt từ sau thời Minh thuộc ngoại trừ vũ lực ra cái gì cũng túng thiếu, trong đó thiếu nhất là tiền.
Nếu không phải mấy năm gần đây thuyền buôn từ Đại Hòa trở về đem theo bạc đ·ồng t·ính bằng đơn vị tạ thì với năng lực bày vẽ của Lê Nguyên Long triều đình không phá sản mới là lạ.
Thân là nô tài thân cận của Hoàng Đế, Đinh Phúc trời sinh có một loại cảnh giác đối với loại sinh vật được gọi là hùng chủ này.
Chú thích:
(1) Về cái gọi là dân tộc và khái niệm của nó, tác giả bị ảnh hưởng mạnh bởi Stalin và các luận điểm của ông về vấn đề dân tộc, theo đó:
“Dân tộc là một khối người hình thành một cộng đồng ổn định trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và hình thành tâm lý “người mình” ... " [Chủ nghĩa Marx và vấn đề dân tộc/ Iosif Stalin.]
Cũng theo Stalin, bản thân dân tộc không phải là bất biến, luôn có hai xu hướng dung hợp và phân ly tồn tại độc lập và tương tác mạnh mẽ với nhau.
Trong đó tính dung hợp đảm bảo một dân tộc luôn có thể phát triển theo hướng tiếp thu các nguồn gen, nguồn văn hóa từ các cộng đồng khác.
Ngày nay, dựa vào các bằng chứng về di truyền, văn hóa và ngôn ngữ học, chúng ta biết rằng người Kinh đã trải qua ít nhất ba cuộc dung hợp lớn với các tác nhân bên ngoài.
Lần thứ nhất là cộng đồng Việt Cổ tiền văn hóa Đông Sơn tương tác với người Kra-Tai di cư từ Vân Nam xuống, hình thành nên nền văn hóa Đông Sơn.
Lần thứ hai bắt đầu từ khi người Thái bắt đầu bị các vương triều Trung Nguyên đẩy xuống phía nam vào cuối thời chiến quốc, đỉnh điểm là cuộc dung hợp vào thời kỳ Thục Phán đánh bại Lạc Vương hình thành nước Âu - Lạc. [Theo sách “Cộng đồng Thái-Kadai Việt Nam: Những vấn đề phát triển bền vững”/ Nxb Thế giới/ trang 105-113]
Lần thứ ba kéo dài hơn, diễn ra trong ngàn năm bắc thuộc, cũng trong thời gian này, người Lạc dần bỏ thói quen ở nhà sàn xuống ở dưới mặt đất.
Trong ba giai đoạn này, người Lạc Việt bắt đầu phân ly thành hai dân tộc Kinh, Mường với các đặc điểm di truyền, ngôn ngữ và văn hóa dần dần xa cách nhau.
Trên thực tế, đến tận ngày nay quá trình dung hợp vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ.
Có thể bạn đã mơ hồ nhận ra, ngay ở thời điểm hiện tại chúng ta cũng đang trong một quá trình dung hợp khác với quy mô còn đồ sộ hơn.
Cái khái niệm “dân tộc Việt Nam” mà chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng vào năm 1958 “...nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…” là một khái niệm có phạm vi bao phủ rộng hơn hẳn khái niệm “dân tộc Kinh”.
Theo đó, “dân tộc Việt Nam mới” mà chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến đã đang trong quá trình hình thành từ đầu thế kỷ XX trên cơ sở 54 dân tộc anh em với dân tộc Kinh đóng vai trò chủ đạo.
Nhân tiện đây, tác cũng nói rõ phương thức tiếp cận vấn đề dân tộc của tác.
Tác không bị ảo tưởng về trí tuệ của bản thân, vì vậy - thay vì cố nghĩ ra một phương pháp nào đó rồi áp đặt tư duy chủ quan của mình mà cho rằng phương pháp đó chắc chắn sẽ hiệu quả - tác chỉ đơn giản là “mượn” ý tưởng đã và đang được chứng minh là hiệu quả mà thôi.
Đương nhiên là hoàn cảnh cụ thể ở thế kỷ XV nó có sự khác biệt với thế kỷ XX, nhưng bản chất vẫn vậy, không có nhiều đổi khác.