Logo
Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗

Lê Dung

Unknown

Chương 179: Quyền Lực Mềm

Chương 179: Quyền Lực Mềm


Lộ Thanh Hóa cằn cỗi nghèo nàn mà sức sản xuất của phép canh tác mới đã rõ rệt như vậy, nếu phổ cập được ra cả nước thì kinh khủng ra sao?

Giả như xứ Sơn Nam (Nam Đạo/ Thiên Trường) những năm Thiệu Bình, cả nước có hơn sáu ngàn xã thì quá hai ngàn ở Sơn Nam (1).

Cứ tính đơn giản mỗi xã ít một trăm nhiều thì ba trăm hộ, lấy trung bình là hai trăm, lại nhân với mỗi hộ năm khẩu, tính toán đâu ra đấy dân số Sơn Nam nói ít cũng phải trên dưới hai trăm vạn.

Miếng đất to vừa bằng cái lòng bàn tay đã chiếm tới ba bốn phần mười dân số Đại Việt. Phải nuôi nhiều dân như thế nhưng Sơn Nam vẫn không bị áp lực chút nào, cứ nhìn dân Sơn Nam không chỉ trồng lúa, còn dành quỹ đất đáng kể dùng để canh tác cây màu là hiểu.

Không phải tự nhiên thế gia vọng tộc đất Sơn Nam lóc nhóc như c·h·ó chạy đầy đường.

Nguồn lực thế kia cơ mà!

Nếu bây giờ vừa phổ cập phép canh tác lúa mới, lại nghiêm lệnh Sơn Nam tập trung trồng lúa thì chỉ riêng ruộng đồng vùng này chí ít mỗi năm có thể dư ra thêm ít nhất một ngàn vạn tạ (600.000 tấn).

Tính thoáng một chút, số lương hưởng dôi ra đó nói ít cũng có thể nuôi sống thêm hai, ba trăm vạn người.

Kể cả sau khi đã trừ đi hao mòn cùng với tô thuế thì lương tiền còn lại ở Sơn Nam thừa sức nuôi bốn năm trăm vạn dân.

Con số đó tương đương với tám chín phần mười dân số Đại Việt.

Nguyễn thị Anh bất giác có chút ảo não. Nếu tiên đế cho phổ cập phép canh tác lúa mới sớm hơn mẹ con bà đã không mất ăn mất ngủ như hiện tại.

Nghĩ đến ngắn ngủi hai ba tháng nay giá lúa gạo bị “một số kẻ nào đó” xào xáo lên hai ba phần mười, hai hàm răng Nguyễn thị Anh lại nghiến lên nhau trèo trẹo.

Tuy nói mấy năm nay cả nước tạm coi là tường hòa, h·ạn h·án l·ũ l·ụt là có nhưng không đến mức có biến loạn gì lớn, thế nhưng ai bảo loại hùng chủ như tiên đế luôn rất biết cách bày vẽ đây?

Nay thấy việc này quan trọng phải làm, mai thấy việc kia cũng cấp thiết không kém lại bỏ lương tiền ra thôi thúc v.v. Tiền lương trong kho chưa ấm chỗ đã bị phân bổ đi quá nửa.

Cứ chê trách Lê Nguyên Long thích quyền to, ham công lớn, đến lượt bà Thái Hậu buông rèm nghe chính sự cũng đâu có khá hơn chỗ nào.

Nói đâu xa, mới nửa năm trước Nguyễn thị Anh nghe thấy Lê Khôi nói bùi bùi tai cũng gật đầu với kế hoạch đắp đường cùng với thi hành quân dịch các thứ, thành ra tích s·ú·c trong quốc khố cũng không mấy dư giả.

Mà thôi, gắng gượng đến hôm nay coi như có đầu ra, thái độ ương ạnh của Thái Hậu cuối cùng cũng đã có chỗ để dựa vào!

Đơn giản mà nói. Nếu như việc này có thể thành, triều đình chỉ cần kiểm soát được lương thực Sơn Nam cùng tinh binh Thanh Nghệ tức là đã chiếm được đại thế.

Trừ khi Thái Hậu đột nhiên bị kẻ nào đó sai khiến làm chuyện gì đó ngu xuẩn quá thể quá đáng thì triều đình đã đứng ở thế bất bại.

Đó chỉ đơn cử là Thanh Hóa cùng Sơn Nam, nếu có thể thuận lợi mở rộng ra cả nước, nuôi sống ngàn vạn sinh dân (10 triệu người) không phải vấn đề gì lớn lắm.

Nghĩ đến con số điên rồ kia, Nguyễn thị Anh không nhịn được nhếch miệng cười nhợt nhạt. Cực kỳ vất vả mới kiềm chế được không nhảy cẫng lên khỏi sập vàng, Nguyễn thị Anh thấp giọng hỏi.

- Chư khanh cho rằng vụ chiêm xuân sang năm có thể mở rộng phép canh tác mới ra Kinh Lộ được chưa?

Nội mật viện sứ Nguyễn Nhật Thiêm vẫn luôn ngồi giả câm vờ điếc, đến giờ mới chắp tay vái nói.

- Tâu Bệ Hạ, Thái Hậu! Chuyện phổ cập phép canh tác mới là điềm lành, tạo phúc cho trăm họ, thần không có gì dị nghị, duy chỉ có một điều thần luôn lo nghĩ. Dân chúng ở làng xã khép kín đã quen, nay sai người về làng hướng dẫn kỹ thuật mới chỉ e là bọn chúng ngu độn không nghe. Dùng sức mạnh mà ép buộc lại sợ dân chúng tụ tập làm loạn, làm sao cho chúng biết đường ngay, tích cực theo phép canh tác mới mà làm mới là vấn đề quan trọng.

Bọn đại lão chung quanh đều gật đầu cho là phải, Trịnh Khả cũng chắp tay vái nói.

- Thần cũng thấy Nội mật viện sứ đại nhân lo lắng có lý! Đại chúng ngu tối, nếu không có người làm mẫu chứng minh cho chúng thấy phép này khả dĩ e là bọn chúng sẽ không mấy tích cực hưởng ứng, thậm chí sinh loạn.

Chân mày Nguyễn thị Anh hơi nhíu, không hiểu vì sao lần này ngay cả Trịnh Khả cũng đứng ra ủng hộ Nguyễn Nhật Thiêm, nghiêng đầu hỏi.

- Ồ! Theo ý chư khanh chuyện này giải quyết làm sao?

Nguyễn Nhật Thiêm gật đầu với Trịnh Khả, sắp xếp từ ngữ nói.

- Thần cho rằng phép canh tác mới trước hết nên thực hiện ở ruộng vườn, trang viên của huân quý, quan viên trong triều. Những ruộng đồng ấy đều xen kẽ với ruộng của dân chúng, bọn chúng thấy hiệu quả rõ rệt ắt sẽ tích cực dò hỏi thực hư. Đến lúc đó triều đình mới cho quan lại, sai dịch đứng ra truyền thụ, như thế tính tích cực của dân chúng sẽ cao.

Ngẫm nghĩ một lát, lão lại nói.

- Đương nhiên, phủ Ứng Thiên cùng lộ Thanh Hóa thì khác. Dân chúng hoặc là hiểu biết hơi cao, hoặc là đã có quý tộc quan lại làm mẫu, hẳn là cũng không bài xích. Hai nơi này có thể làm đại trà trước, những việc hay việc dở, tiểu tiết lưu ý ở hai nơi này cũng coi như là thí điểm, làm kiểu mẫu cho cả nước noi theo.

Cả bọn đại thần mười mấy gần hai mươi người cùng lúc đứng dậy chắp tay nói.

- Thần đồng ý với kiến nghị của Nội mật viện sứ đại nhân! (x16)

Nguyễn thị Anh chỗ nào còn không hiểu, dân chúng bản năng bài xích cái mới là một lẽ, thế nhưng càng quan trọng hơn là mấy lão già này muốn nhân cơ hội phương pháp canh tác lúa mới chưa phổ cập mà kiếm một vụ lúa ra trò mà thôi.

Đối với sự đồng tâm hiệp lực của đám đại thần, Thái hậu ôm Lê Bang Cơ yên tĩnh ngồi trên sập vàng lông mày giãn ra lắc đầu cười khổ, xua tay nói.

- Chư khanh có tâm vì dân vì nước như thế trẫm (2) rất an lòng. Lệnh! Vụ chiêm xuân năm nay bắt đầu thí điểm trên cả nước, riêng có lộ Thanh Hóa cùng phủ Ứng Thiên thực hiện đại trà. Nội mật viện nhanh chóng đề xuất phương án, sắp xếp cả về nhân lực lẫn vật lực, sẵn sàng ứng phó với bất cứ biến động nào. Đây là chuyện hệ trọng, liên quan đến đói no của nhân dân, hưng suy của nhà nước, tuyệt không được có chút chểnh mảng nào!

Chư vị đại thần đều thở phào một hơi, suy cho cùng loại chuyện này bọn hắn làm không phúc hậu lắm.

Bọn lão là trọng thần triều đình, không đến mức khát khao gì miếng lợi này không có nghĩa là người dưới tay cũng như thế.

Lương thực luôn là mặt hàng chủ đạo tuyệt đối trong bất cứ một nền kinh tế tiền hiện đại nào. Giành được thời cơ nửa năm này cũng đủ cho đám tay chân dưới trướng bọn hắn ăn đầy bồn đầy bát.

Nguyễn thị Anh thấy mấy lão già này tỏ vẻ hài lòng liền nhẹ giọng nói.

- Chuyện cứ quyết như thế đi!

Đào Biểu ở phía sau giọng the thé xướng.

- Hữu sự khải tấu, vô sự bãi triều!

Đám lão già vô sỉ đạt được cái gật đầu của Thái Hậu liền vui vẻ chắp tay lui ra, duy chỉ có bọn Lê Khôi, Trịnh Khả, Lê văn Linh mấy người vừa bước ra đã thấy Đào Biểu điên cuồng nháy mắt, biết ý chậm bước chân quay lại.

Lần nữa bước vào chính điện đã thấy Thái Hậu có vẻ mỏi mệt day day trán, Nguyễn thị Anh nghe thấy tiếng bước chân cũng không ngẩng đầu lên, khẽ hỏi.

- Chư khanh cho rằng Cầm Sương như thế nào?

Trịnh Khả hơi trầm tư, cau mày một lát, nói.

- Thằng này khởi binh làm loạn thì quyết đoán kéo quân xuống Mường Sang không chút dài dòng, khiến quân Ưng Dương không kịp nghe phong thanh, khiến triều đình không có nhiều thời gian phản ứng. Đến khi quân triều lên đánh thì không chút dông dài lựa chọn bỏ đất giữ người, tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, cứ như thế dây dưa với quân ta ba bốn tháng trời. Khiến Trấn Man tướng quân không thể tìm kiếm được trận quyết chiến, nếu không phải triều đình hai ba bút cùng vẽ, mượn lực Xa Lý ở bên ngoài gây sức ép thì e là đã phải không công mà về.

Lê Khôi cũng gật đầu cho là phải.

- Thứ cho thần nói thẳng! Cứ lấy hành tích mà xét, kẻ này không cần đánh trận quyết chiến nào mà thắng cả cuộc c·hiến t·ranh, đó là mưu trí hơn hẳn cha nó. Trí tuệ không phải hạng tầm thường vậy!

Lúc này Nguyễn thị Anh mới ngẩng đầu lên, đáy mắt tràn ra lo nghĩ.

- Đây chính là điều trẫm lo lắng, lần này tuy là triều đình thành công vận dụng áp lực bên ngoài ép chúng ngồi vào bàn đàm phán nhưng trung thực mà nói vẫn là xuất sư bất lợi. Thứ không lấy được trên chiến trường mà muốn lấy từ bàn đàm phán sao mà khó khăn. Nếu không thể áp đặt điều kiện có lợi hoàn toàn cho triều đình thì giữ lại những kẻ như Cầm Sương không khác gì dao treo đầu giường, tâm thần không sao yên ổn nổi!

Mấy lão già chung quanh như nhận ra cái gì, đồng loạt ngưng thị nhìn Nguyễn thị Anh, Trịnh Khắc Phục hơi híp mắt, hỏi.

- Ý Thánh Từ (Thái Hậu) là?

Nguyễn thị Anh không giấu diếm gì nữa, khoan thai nói.

- Trẫm muốn kế thừa ý chí của tiên đế, xây dựng một tiền đồn vững chắc ở Mộc Châu, từ đây khống chế toàn bộ trấn Gia Hưng (miền nam Hưng Hóa). Muốn làm được điều này thì q·uân đ·ội là chưa đủ, trẫm … có ý muốn thiên di cả dân chúng lên Mộc Châu xây dựng một thành trấn. Trước hết là thân nhân của quân Ưng Dương, hết thảy đâu đó tám chín ngàn dân, lại lấy thêm dân từ Nam Đạo đưa lên, sao cho dân trấn ở đó phải có ít nhất hai vạn người. Để dân Kinh lên đó không chỉ là hậu thuẫn cho quan quân mà còn xây dựng, trồng trọt, buôn bán v.v. như thế mới coi là tạm được!

Bốn năm lão già không hẹn mà cùng trầm mặc, loại phong cách này bọn hắn không xa lạ gì, Lê Nguyên Long chính là trùm chơi mấy trò thiên mã hành không này.

Cơ mà suy đi tính lại thì cũng đúng, muốn trấn thủ đường từ Hưng Hóa xuống Quốc Oai, Thanh Hóa chỉ cho q·uân đ·ội đơn độc giữ chặt Bài Mộc là không đủ mà còn phải giữ cả Mộc Châu.

Hơn nữa, không những phải biến Mộc Châu trở thành trọng trấn quân sự mà còn là trọng trấn kinh tế, đầu mối giao thương, là nơi giao lưu văn hóa giữa người Kinh và người mán.

Nói đơn giản thế này, thương nhân người xuôi lên Hưng Hóa nói văn hóa Kinh rất tốt, tiếng Kinh rất hay, người Kinh mặc quần áo rất đẹp, cày cuốc bằng sắt bán như bó rau ngoài chợ phiên v.v. nói đến chảy máu mồm nhưng dân bản, mường không có cơ hội chứng thực điều đó thì nói mười câu cùng lắm họ cũng chỉ nghe vào ba bốn chữ.

Đến những thứ cơ bản như thế còn không làm được nói chi đến cảm tình? Làm sao thay đổi tam quan của chúng?

Vì vậy, nhu cầu cấp thiết là phải có một thành trấn “Kinh” kiểu mẫu ở trên miền rừng thiêng nước độc này, để cho người Thái biết thế nào là “hào quang Đại Việt phổ chiếu muôn nơi”.

Loại phổ chiếu này có thể thay đổi tư duy logic của người ta theo một cách mà vũ lực, đàn áp không bao giờ thực hiện được.

Không tin à?

Cứ nhìn đám con nhang Kpop, Cbiz, Hollywood v.v. há mồm là nước Mỹ thế này, ngậm mồm vào là Trung Quốc thế kia đi.

Lê văn Linh ngồi thẳng dậy, chắp tay vái nói.

- Thái Hậu thấy xa, chúng thần không sao bì kịp!

Nguyễn thị Anh móc một cuốn lụa ra, cười nhẹ nhàng nói.

- Trẫm nào có tài cán ấy, chẳng qua là nhặt được một vài quyển lụa tiên đế để lại thôi!

Lê văn Linh đón lấy cuốn lụa, đọc qua loa rồi đưa cho những người khác cùng xem.

- Thì ra mưu này cũng không hoàn toàn là của tiên đế, không biết kỳ nhân bực nào hiến diệu kế bực này. Hưng Hóa có liệu, thạnh thay!

Trịnh Khả tay xiết chặt cuốn lụa, miệng tấm tắc cảm khái.

Chỉ là lão không để ý thấy Lê Khôi đứng sau lưng khóe miệng giật giật, muốn nói lại thôi, trông cực kỳ chật vật.

“Mả mẹ nó, thằng Long thế mà thật sự định làm theo cái lý thuyết “quyền lực mềm, vương chi đạo dã” của thằng Ý!”

Chú thích:

(1) Theo sách Lịch sử VN - Viện sử học, trang 163.

(2)Nguyễn thị Anh buôm rèm nghe chính sự, gọi vua là “Quan Gia” xưng là “trẫm”.

“[Tháng 5 năm Thái Hòa thứ 7 - 1449, trời h·ạn h·án đã lâu]

Lê Thụ và Lê Khả dâng sớ nói:

"Ngày xưa, vào đời thịnh trị, nếu gặp tai biến của trời thì vua tự xét mình lại, đại thần nhận tội cùng lòng kinh sợ để mong dẹp yên tai biến của trời. Kính nghĩ khoảng năm Thuận Thiên thường được mùa luôn, cho đến các năm Thiệu Bình, Đại Bảo, điềm tốt có nhiều. Bệ hạ chưa tự mình trông coi chính sự, cũng không có lầm lỗi gì, thế mà lụt lội, h·ạn h·án liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Hẳn là bọn thần không biết thể lòng thương yêu muôn dân, chăm sóc vạn vật của bệ hạ, điều hòa trái lẽ như lời chiếu đã nói. Cúi xin Thánh Từ (Thái Hậu) đòi bọn thần tới Chính sự đường hỏi bọn thần về việc quân, việc nước, việc gì nên làm, việc gì nên bỏ, cốt ở thực hành, không nên chỉ chuộng hư văn".

Hoàng Thái Hậu có ý chỉ trả lời rằng:

"Sách xưa có câu: "Việc người tốt thì thiên thời hòa". Nay Quan Gia còn trẻ mà t·hiên t·ai xảy ra luôn, trẫm rất lo sợ. Mối hại ngày nay có thể là do gây bè cánh, tiến cử không công bằng, có thể vì cậy thế công thần nơi tiềm để cho vợ con chạy chọt nhờ vả nơi quyền thế, có thể do bọn gia nô làm hại dân lành, hay thậm thụt ở các nhà quyền thế để xin khỏi tội. Làm thế nào để trừ bỏ mối tệ hại đó cho vua tôi ta một lòng một dạ để trừ tai biến của trời, trên thì có thể phù trì Quan Gia giữ vững cơ nghiệp của tông miếu, dưới thì có thể giữ yên thiên hạ, thỏa lòng mong đợi của quân dân".

Tờ chiếu ban xuống, đêm hôm ấy trời mưa.

[Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển XI, tờ 80a-81a]

Chương 179: Quyền Lực Mềm