Chương 31: Làm Cá
Tối nay Lê Ý muốn đãi bà Vân với cái Điềm món cháo cá, lần trước nó cũng thử nấu cho ông già nó ăn nhưng nồi cháo tanh ngòm, thế mà Lê Khôi vẫn ăn hết.
Nó vừa mổ con cá chép, đang loay hoay chưa biết xử lý thế nào thì nghe tiếng Lê Điền ở phía sau.
- Làm cá muốn tẩy hết mùi tanh có ba yếu quyết không được bỏ. Đầu tiên là khi mổ cá phải làm thật sạch mang cá, bụng cá, khéo léo lấy được mật cá mà không để bị vỡ.
Vừa nói vừa ngồi xuống giành lấy con dao trong tay Lê Ý, Lê Điền đi một đường rõ dài từ vết mổ của Lê Ý rồi đưa tay vào móc nhẹ cả bộ đồ lòng của con cá ra. Dùng ba ngón tay tách bộ đồ lòng chỉ vào mật cá xanh rì. Đoạn lão lại dùng dao cạo thật sạch bên trong bụng cá.
- Móc được bộ lòng cá ra rồi vẫn phải cạo sạch màng đen, lấy được hết máu trên xương sống cá càng tốt. Kế tiếp phải rửa cho thật sạch, dùng nước vo gạo hoặc giấm, chanh, rượu đều được.
Nói rồi đứng dậy ra vườn ngắt chanh, thứ chanh ở thời đại này vừa nhỏ vừa ít nước, vắt kiệt cũng chả được bao nhiêu, vậy nên Lê Điền lấy liền bốn năm quả vắt hết lên con cá rồi lấy vỏ xoa xoa, bóp chanh sạch sẽ rồi thả vào chậu nước xả lại một lần.
Xong xuôi Lê Điền treo con cá chép lên cái móc rồi lấy xà phòng, ngồi dưới vòi nước chảy vừa rửa tay vừa nói.
- Cuối cùng là làm săn cá, nên nướng qua cho thơm hoặc cá sống phải thả vào nồi lúc nước đã sôi, nếu không kể cả sơ chế kỹ đến mấy vẫn còn mùi tanh, không ai ăn được đâu. Gia chủ trước kia còn ra tay đánh cả đầu bếp vì tội nấu cá bằng nước lạnh đấy.
Lê Ý cười xấu hổ, nhớ lại nét mặt Lê Khôi vừa ghét bỏ vừa ăn từng miếng cháo cá bữa trước, giờ mới biết cũng chả phải lão tiếc rẻ gì mà chỉ đơn giản đó là lần đầu nó nấu ăn cho lão, lão không đành lòng đổ đi, thế thôi.
Sượng sùng tìm cách đổi chủ đề, nó hỏi Lê Điền.
- Từ đầu năm tới nay đám "bạn tốt" ở Đại Minh cắn trộm chúng ta liên hồi. Quảng Đông Bố chính sứ ty đang o ép hàng của ta ngặt nghèo, mười sáu chuyến hàng có tới bảy chuyến không cho nhập cảng, hàng ở Ngọc Sơn đã sắp đầy kho mà chưa chuyển đi được, chú cho là thế nào?
Trung thực mà nói, chuyện bị o ép khi mở thương điếm ở nước ngoài chả có gì to tát, nhưng cái “ác ôn” của thị trường nhà Minh so với các nước khác là nhà Minh có hẳn một chính sách để quan lại có thể đường đường chính chính chèn ép thương buôn – “Hải cấm”.
“Hải cấm” hay “Dương cấm” là một trong những quốc sách căn bản của nhà Minh. Từ niên hiệu Hồng Vũ đến niên hiệu Long Khánh (1368-1572) điều luật này được thực hiện suốt 200 năm, từ nam chí bắc hơn một nửa Đại Minh.
Tuy nhiên, khác với nhiều hình dung về một chính sách “bế quan toả cảng” tuyệt đối như những năm đầu nhà Thanh, chính sách “hải cấm” vào thời Minh là một hình thức đóng cửa không nhất quán.
Từ các tài liệu còn sót lại cho thấy, lệnh cấm biển ở từng thời kỳ không chỉ có tiêu chuẩn khác nhau mà đối tượng áp dụng cũng là hoàn toàn riêng biệt.
Khởi nguyên từ thời Hồng Vũ đến thời Vĩnh Lạc (1368-1424) chính sách hải cấm của nhà Minh là tuyệt đối và toàn diện. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, cụ thể là từ thời Tuyên Đức (1425 trở đi) triều đình đã bắt đầu đánh thuế thuyền đi biển, nghĩa là chính sách này đã trở thành một lệnh cấm có chọn lọc.
Lệnh “hải cấm chọn lọc” thực thi khác nhau đối với từng khu vực.Nhà Minh xác định đến từng cảng, từng hải vực, từng hải trình (như Đông Dương, Nam Dương) từng quốc gia (như “hải cấm Đông Doanh").
Không những thế, từng đối tượng thực thi lệnh hải cấm ở trên còn bị chia thành các thành phần khác nhau như thương nhân Đại Minh, “Hồng mao di” “Oa nhân” v.v. Thậm chí kỹ càng hơn, có nơi còn xác định cụ thể đến từng thương nhân, từng con thuyền.
Những khu vực và đối tượng được sự cho phép của triều đình đương nhiên là có thể buôn bán thoả mái, miễn là thương thuyền đăng ký và đóng thuế đầy đủ cho quan phủ.
Vậy nên, trong phần lớn thời gian tồn tại của lệnh “hải cấm” nhà Minh thực tế chỉ ra lệnh cấm với những thực thể chưa nhận được giấy phép và đóng thuế cho triều đình.
Giả dụ như ra biển ở hải cảng chưa được cấp phép, ra biển bằng tàu không đúng quy chế hoặc thương buôn nước ngoài chưa được chấp thuận đến buôn bán ở các cảng của nhà Minh.
Quay lại vấn đề của Lê Ý, đương nhiên là thương hội Vĩnh Xương đăng ký và khai báo thuế đàng hoàng, ít nhất là hàng giao ở các cảng chính thức đều như thế.
Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, ở Bố chính sứ ty Quảng Đông bắt đầu có một số quan lại công kích thuyền buôn của thương hội.
Thằng ngu cũng biết những kẻ đứng sau lưng đám quan lại kia là ai. Phải biết thương hội Vĩnh Xương đã đang hợp tác độc quyền với một số hiệu buôn, những kẻ còn lại không đỏ mắt mới là lạ.
Đơn cử như thương hội đang bỏ sỷ rượu gạo chưng cất loại vò mười cân với giá từ 0.6 đến 0.7 lượng bạc mà thôi.
Một vò mười cân có thể chia thành ít nhất ba mươi bình, ở Quảng Đông giá một bình rượu đầu nậu giao cho quán rượu là năm mươi văn. Năm mươi văn mỗi bình có nghĩa là ba mươi bình thu về ít nhất một lượng rưỡi.
Nói đơn giản hơn, chỉ từ bến tàu đến quán rượu đối tác của Lê Ý đã lãi ít nhất hai lần số vốn bỏ ra.
Đó mới chỉ là rượu trắng - mặt hàng đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như hoàng tửu, liêu tửu, hoài khúc, hồng khúc v.v.
Rượu chưng cất vốn đã du nhập vào Trung Hoa từ cuối thời Nguyên, nhưng vì công nghệ còn thô sơ, lại không có thời gian nghỉ xả nên uống rất chối, không sao cạnh tranh với các loại rượu lên men truyền thống được. Cả trăm năm vẫn chỉ là thứ rượu rẻ tiền của người nghèo.
Rượu Vĩnh Xương thì khác, nhờ có thời gian ủ kéo dài hai đến ba năm trong chum sành nên rượu Vĩnh Xương tiền vị cay nồng mà không hắc, hậu vị mượt mà không ngang, uống say nghủ dậy tuyệt đối không đau đầu. Có thể nói là vượt trội hơn hẳn các loại rượu chưng cất khác ở Đại Minh nhưng so với các loại rượu lên men truyền thống vẫn chưa thể áp đảo Tuyệt đối.
Áp đảo được rượu truyền thống cả về nồng độ lẫn hương vị chỉ có rượu hổ phách ủ trong thùng gỗ sồi. Loại này ngoài hương nếp tự nhiên còn có thêm vị tanin đặc trưng, hậu vị cực kỳ đặc biệt. Vậy nên giá cao gấp năm sáu lần rượu ủ chum sành nhưng hàng sang khi nào là hết sạch khi ấy.
Từ đầu năm ngoái tới nay rượu hổ phách đã không nhận bán ngay mà chỉ hẹn trước mới có. Thậm chí để đảm bảo giá cả nên sản lượng loại này luôn bị giới hạn.
Thương hội Vĩnh Xương còn có những mặt hàng độc quyền không có đối thủ như đường tinh, nhục tinh (bột ngọt).
Bây giờ ở hai Kinh (Nam Kinh và Bắc Kinh) gia chủ bày tiệc tiếp khách mà không đãi bằng chè nước có pha đường tinh thì không có mặt mũi xưng là phú hộ hay đại nho.
Đương nhiên là để đặt lên bàn của chư vị danh túc Đại Minh, sản phẩm “cao cấp” như thế không thể sử dụng cái tên thô sơ như đường tinh được, thị trường thiên triều này đường tinh được gọi là “tuyết điềm” đèo mẹ.
Lê Điền chẳng có vẻ gì là lo lắng, cười nhạt nói.
- Thiếu chủ yên tâm, ở Quảng Đông còn cả đám người còn nóng vội hơn chúng ta. Hàng của ta bị ghim ở Nghi Sơn có thể bán cho thương thuyền Đại Hoà, Nam Dương, giá thấp hơn một chút mà thôi. Thương hội Vĩnh Xương mới chỉ khó chịu còn đám thương nhân buôn rượu, đường ở Đại Minh đã đang phát rồ lên rồi. Thuyền buôn mới về báo cáo tháng trước có một tên thương buôn ở phủ Quảng Châu bị “đạo tặc” giết cả nhà.
Lê Ý ồ lên thú vị.
- Ngay trong phủ thành Quảng Đông có “đạo tặc” gây trọng án diệt môn. Đúng là đoạn người tiền tài như thù giết cha mẹ, mà chắc gì giết cha mẹ chúng đã phản ứng kịch liệt thế, hà hà ...
Nó đang cười giả lả thì thấy Bùi Sái, Lê Chiêm ôm nguyên tập hồ sơ vừa bước qua cửa vườn sau, liền chỉ lên ghế gọi hai tên gia thần ngồi xuống nói chuyện.
Bùi Sái là đốc tạo xưởng nghiên cứu Cẩm Giang, tuy gần nhưng cũng chẳng mấy khi xuống thị trấn chơi. Lê Khôi thường mắng lão Sái trước mặt lão Điền.
“Thằng Sái ở trong cái xưởng u tối đó sinh nghiện mất rồi, cứ ra khỏi tường thành công xưởng là sợ bí mật công nghệ bị ăn trộm hết. Bây giờ muốn cho nó tái hoà nhập cộng đồng cũng khó."
Bùi Sái rảo bước tới, đặt tập tài liệu lên bàn rồi nghiêm cẩn chắp tay vái làm Lê Chiêm cũng phải vái theo.
- Thiếu chủ.(x2)
Nó gật nhẹ đầu chỉ hai cái ghế đẩu ra chiều “ngồi xuống đi”. Bùi Sái, Lê Chiêm ngồi xuống rồi Lê Ý mới quay sang nói với Lê Điền.
- Chú sai người của ta nói với đám thương buôn ở Quảng Châu là thương hội chúng ta rất sẵn lòng mở rộng thêm tệp đối tác ở Nam Kinh, cùng Bắc Kinh, chúng có ba tháng trước khi ta hết kiên nhẫn. Lại bảo bọn gián điệp của Nhập nội Kiểm sát ty khuấy mạnh vào cho nước thêm đục đi. Nếu có thể thì xử lý vài tên “đối tác thân thiện” của chúng ta cũng được. Con người mà, cơ bản là giống mấy con lừa thôi, cứ phải vừa đánh đòn vừa treo mồi trước mặt chúng mới ngoan ngoãn làm theo ý ta.
Lê Điền cúi đầu chắp tay.
- Thần, tuân lệnh.
Lê Ý thú vị quay sang nhìn Lê Chiêm.
- Năm nay chú Chiêm không cần phải đôn đốc việc khai hoang nữa, để đó cho người khác đi.
Lê Chiêm nghiêng đầu khó hiểu, Lê Ý cười ý vị.
- Hà hà … Tham tri bạ tịch Tây đạo Hà Lật đại nhân gần đây âm thầm xui khiến bọn thổ ty ở Mai Châu, Mộc Châu chuẩn bị làm loạn.
Lê Ý vừa nói vừa lật một tập tài liệu mà Đông Trúc đã dọn ra từ trước đưa cho Lê Chiêm.
- Người của Nhập nội Kiểm sát ty bên cạnh Hà lật đã báo cáo về chuyện này. Cháu đã sai người của ta trên đó nghe ngóng, đúng là có chuyện này thật. Có lẽ chúng muốn tìm cách kéo những người đang cầm quân quyền trong tông tộc ra khỏi Đông Kinh dẹp loạn để dụ phe huân quý động thủ.
[Bành ~]
Lê Chiêm một bên đọc hồ sơ một bên nghe Lê Ý trình bày cũng phải bực dọc đập một bàn tay lên cái bàn gỗ, lấy tu dưỡng của lão cũng có chút chịu không nổi, lửa giận phừng phừng. Lão có chút hiểu vì sao Lê Ý quyết thành lập một trường quốc học mới rồi. Chúng quá thiện đầu óc nhưng lại thiếu điểm mấu chốt.
Tranh đấu chính trị thì so bì thủ đoạn, ai cao tay ấn hơn người đó thắng. Đàng này lại kích động thổ phiên làm loạn để đạt mục đích. Chúng nó không thấy Đại Việt hiện tại có ti tỉ thứ phải lo à?
Trong có thổ phiên, ki mi chực chờ li khai, ngoài có Đại Minh, Vạn Tượng, Chiêm Thành quấy phá. Đúng thời khắc như thế này lại dùng “diệu kế như thế” đám này đúng là “túc trí đa mưu”.
Lão hít mấy hơi thật sâu, nhắm mắt thật lâu rồi nói.
- Thiếu chủ muốn thần làm gì, giết cả nhà tên đốn mạt kia chăng?
Lê Ý dựa lưng ra ghế, liếc qua Lê Điền thấy mặt lão điềm nhiên như không, lắc nhẹ đầu nói.
- Hà Lật làm việc rất gọn gàng, mọi tuyến liên lạc đều do gia nô nhà hắn đảm đương, chúng ta chưa đủ bằng chứng tố cáo. Lấy dăm ba tội lặt vặt mà hoạch hoẹ nhiều nhất là đuổi hắn về vườn một hai năm, nếu làm quá mức thì thế tộc, sỹ tộc đều sẽ bất mãn. Khi đó dư luận của chúng ta ở Kinh Lộ sẽ rất bất lợi.
- Vậy ý thiếu chủ là ?
Sắc mặt Lê Ý lạnh lại, vứt cho Lê Chiêm một tấm lệnh bài, chậm rãi mà không mang theo tia cảm xúc nào nói.
- Ta cần thời gian, thời gian để hắn tưởng rằng vẫn chưa ai biết gì rồi hành động tiếp. Giờ này hắn đã được Nhập nội Kiểm sát ty “chăm sóc” ở một mức độ khác, chỉ cần hắn hành động dù nhỏ nhất cũng sẽ có người ghi chép tường tận, thu thập bằng chứng. Việc của chú là ngay lập tức lên Mai Châu, Mộc Châu bí mật bắt liên lạc với các mường còn trung thành với chúng ta. Chú cầm lệnh bài này, tiền, gạo, sắt, muối không phải là vấn đề, chú chỉ cần đảm bảo mọi cuộc nổi loạn bị dập tắt từ trong trứng nước là được.
Lê Chiêm đứng dậy khỏi ghế chắp tay hướng Lê Ý.
- Chiêm, không dám sơ sót.
Nói rồi quay lưng đi ra không chút dài dòng. Nhìn bóng lưng thẳng tắp của Lê Chiêm rảo bước ra ngoài, Lê Ý nhấm ngụm nước chè, nhỏ giọng lầm bầm.
- Làm thịt cá, không nên mất kiên nhẫn, một chút ẩu tả là mất cả nồi cá ngon, đúng không chú Điền.
0