Chương 38: Hứa
Công xưởng Vĩnh Xương nằm ở tả ngạn Lỗi Giang, từ Cẩm Giang xuôi dòng mời bảy, mười tám dặm là đến bến tàu Vĩnh Xương. Từ cầu tàu xuôi xuống đã có hơn ba mươi thuyền chở hàng nối đuôi nhau an tĩnh chờ đợi.
Tất cả thuyền chuyển hàng từ Vĩnh Xương xuống cảng biển ở Ngọc Sơn đều là lâu thuyền. Loại thuyền này có mũi bằng nên không sợ đá ngầm, đáy nông nên không sợ nước cạn, rất thích hợp đi trên sông.
Hàng về đến cảng Nghi Sơn ở huyện Ngọc Sơn sẽ được đưa vào kho, lưu kho chờ thuyền buồm chuyên đi biển về cảng mới đưa đi các nước.
Lê Ý vừa bước xuống bến tàu đã nghe tiếng cãi vã, một giọng bị vỡ như vịt kêu chợt kéo lên cao vót.
-…
-Anh Đạo, anh cho em đi theo đi mà, em cũng muốn ra nước ngoài, em cũng muốn đi xem biển rộng trời cao như thế nào.
Giọng trầm ổn hơn chậm rãi từ chối nói.
-Mi đi làm gì? Ngoài biển toàn sóng với gió nhìn hai ngày chán hơn con gián. Đó là trong trường hợp mi không say sóng, còn đã có máu say thì thôi, ngoài nằm bẹp một góc như mèo mi còn làm gì hơn được nữa, chỉ tổ phí một khẩu phần lương thực.
Giọng chưa vỡ hẳn lại réo lên.
-Anh làm như anh đã đi biển rồi không bằng ý, cũng rặt một màu vịt cạn như nhau thôi.
Nheo mắt theo ánh sáng tờ mờ buổi ban mai nhìn lại, thì ra là hai anh em Trịnh Đạo, Trịnh Bang, con thứ hai cùng thứ tư của Trịnh Khả. Trịnh Khả có hết thảy mười ba đứa con trai, lớn nhất là Trịnh Quảng, nay đã nhậm chức trong quân ngự tiền võ sỹ, đứa bé nhất mới ba tuổi.
Trịnh Đạo mới độ mười sáu tuổi mà đã dậy thì khá thành công, mặt vuông tai lớn, mũi thẳng, đặc biệt nhất là một cặp mắt phượng y hệt ông già nhà nó. Nhìn qua đã thấy là người thông minh tháo vát lại không thiếu kiên nghị.
Trịnh Bang năm nay mới mười hai, đang tuổi bắt đầu vỡ giọng, chưa phán xét gì được nhiều, duy chỉ có cặp mắt nai kia là từ giờ đã có thể nói không giống lão Trịnh được rồi. Nghe đồn là di truyền từ sinh mẫu nó, đúng vậy, con cháu trong nhà quý tộc tất cả đều là con vợ cả. Về phần mẹ đẻ, dù là thiếp thất hay ca cơ đều gọi là dì hoặc tốt hơn một chút gọi là sinh mẫu mà thôi.
Được cái vợ cả lão Trịnh đầu làm người khoan dung, đối với con của lão Trịnh đều đối xử như nhau, thiên hạ đều khen là hiền thê lương mẫu. Nói đi cũng phải nói lại, nếu không phải ba đứa đích tử do bà Lê thị thân sinh là Trịnh Quảng, Trịnh Đạo, Trịnh Lạc đều quá xuất sắc, đám con thứ không ai sánh bằng thì cũng chưa chắc.
Lần ra khơi này Trịnh Đạo sẽ cùng Lê Ý theo thuyền buôn đi lên bắc. Đúng ra với độ tuổi của Trịnh Đạo năm nay đã vào triều làm quan. Tuy nhiên, Trịnh Đạo vẫn phải đi nước ngoài một chuyến mở mang tầm mắt rồi hẵng xuất sĩ cũng không muộn.
Lê Ý cũng cực kỳ bái phục tầm mắt của Trịnh Khả, chuyện này không phải năm nay lão vuốt đầu tuỳ tiện khởi ý. Đầu năm kia lão đã đề đạt với Lê Khôi bắt tất cả con cháu hơn hai mươi nhà của thương hội Vĩnh Xương đi viễn dương một chuyến rồi mới cho xuất sĩ.
Lê Khôi cũng cho là phải, con cháu trong nhà dù sao cũng nên ra ngoài cho biết thiên hạ tròn méo như thế nào, đến lúc ra làm quan mới bớt ếch ngồi đáy giếng được.
Vì vậy mấy chục đứa con cháu thương hội dù đã xuất sĩ nhưng việc chưa khẩn thiết cũng đều phải xin nghỉ từ nửa năm để đi viễn dương, năm ngoái bọn Lê Mục, Lê Thọ Vực v.v. đều phải ra nước ngoài một chuyến.
Rảo bước về phía hai anh em đang to nhỏ đấu tranh, Lê Ý sang sảng cười nói.
-Sớm muộn gì cũng tới lượt mi thôi, lanh chanh cái gì hả Bang? Lại còn anh Đạo nữa, đến tháng tám là trường quốc học khai giảng đấy, không ở nhà nhập học vội vàng ra biển làm gì?
Không để ý đến Trịnh Bang mặt đen như đít nồi, Trịnh Đạo thoả mái nói.
-Lần này anh theo mi đến Quảng Đông thôi, sau đó theo thuyền của thương hội ở đó về Lam Sơn hẳn là vẫn kịp.
Từ Nghi Sơn đến Quảng Đông độ hai ngàn năm trăm dặm, trong điều kiện thời tiết bình thường thuyền đi biển sẽ mất sáu đến bảy ngày thì đến nơi, hành trình lượt về nhiều lắm cũng không dài hơn mười ngày. Cộng cả thời gian lưu tại Quảng Châu thì thời gian cả chuyến đi của Trịnh Đạo hẳn là trên dưới một tháng.
Nhẩm tính một lát thấy Trịnh Đạo hẳn là vẫn thừa thời gian về Lam Sơn khai giảng, nó nhẹ gật đầu, nói.
-Thế cũng được, không ảnh hưởng đến khai giảng thì ra ngoài mở mang tầm mắt cũng là việc tốt. Đã thế thì cho thằng Bang đi cùng cũng không sao, cùng lắm là già một tháng, cũng không chậm trễ việc học của nó được.
Trịnh Bang đang mặt ủ mày chau lại nghe Lê Ý nói thế liền thấy cửa ra biển lại sáng, nó hướng về phía anh hai tỉ tê.
-Anh Đạo, anh Ý nói đúng đấy, cho em đi theo đi mà, không ảnh hưởng gì đến việc học đâu.
Trịnh Đạo nghe thấy thế cũng thoáng suy tư rồi gật đầu.
-Để xem nào, nếu mi đã muốn đi thì anh cũng không cấm cản nữa, có điều …
Mắt thấy đại sự sắp thành, Trịnh Bang sao có thể nấn ná thêm nữa, thấy Trịnh Đạo ra vẻ khó khăn liền sốt sắng nói.
-Có điều cái gì anh mau nói đi.
Ngửa mặt lên tỏ vẻ trách trời thương dân, Trịnh Đạo nói.
-Lần này bước ra khỏi cửa mẹ có dặn anh phải đôn đốc mi đọc xong Đại Học, không biết …
Nhắc đến sách vở, mặt Trịnh Bang héo rút lại, bẽn lẽn nói.
-Chuyện này có thể chờ đi nước ngoài về được không, em hứa sau khi về sẽ đọc thuộc Đại học chú giải mà.
Liếc xéo Trịnh Bang đang ra sức trả giá, Trịnh Đạo nhếch mép khinh thường.
-Hứa? Trước khi bước chân khỏi Đông Kinh mi đã hứa với anh như thế nào? “Anh Đạo đem em vào Cẩm Giang đi, em hứa …”
Trịnh Bang mặt đầy khó khăn, vô lực bao biện.
-Em cũng có cố gắng đó chứ, chẳng qua quyển Đại học chú giải kia quá khó hiểu, nên mới …
Khoát tay không quan tâm Trịnh Bang giải thích, Trịnh Đạo dứt khoát nói.
-Anh cho mi thời gian đi thuyền từ đây xuống Ngọc Sơn, đến lúc thuyền nhổ neo ra khơi mà mi còn chưa nắm rõ thì dẹp, ngoan ngoãn ở lại Nghi Sơn chờ anh đi biển về. Được chứ?
Thấy anh hai nhả ra, Trịnh Bang đời nào bỏ qua, vội vàng nói.
-Được, được … em nhất định sẽ nắm vững Đại học chú giải trước khi xuống đến Ngọc Sơn.
Lê Ý đứng ở bên xì cười nói.
-Với đầu óc của mi đọc cái quyển chú giải đó hiểu được mới lạ, chốc nữa lên thuyền anh sẽ xin Tử Tấn tiên sinh cho mi mượn đọc trên thuyền cuốn chú giải mới sẽ được giảng dạy trong quốc học Lam Sơn. Cuốn đó đã cắt bỏ hết những thứ râu ria cố ra vẻ cao thâm của mấy cuốn chú giải cũ rồi.
Kinh điển như tứ thư ngũ kinh từ xưa đến nay không thiếu người làm chú giải, phải cái suốt ngày chi hồ giả dã cốt ra vẻ cao thâm mà xa rời cốt lõi của việc học là truyền thụ tri thức. Năm xưa Lê Ý ba tuổi đã học tam lễ, vậy nhưng với trí tuệ hai đời người mà đến năm tám tuổi nó mới cơ bản là nắm vững Đại học.
Đó mới là cơ bản thôi nhé, muốn thực sự hiểu được rồi từ đó vận dụng nó vào tu dưỡng bản thân hãy còn con đường dài. Suy xét căn nguyên hẳn là đến từ cách diễn giải khó ở của mấy quyển chú giải.
Thế là từ ba năm trước bắt đầu mon men dạy Lê Điềm học chữ nó đã băt đầu bỏ công biên tập một cuốn Đại học chú giải mới, chờ đến khi Lê Điềm học xong ba ngàn chữ sẽ dùng làm tài liệu giảng dạy em gái.
Bọn Trình Thuấn Du, Lý Tử Tấn nhận uỷ thác của lão Khôi thay phiên đến phủ đốc xúc việc học của Lê Ý. Vô tình đọc được bản thảo “Đại học chú giải” của nó, hai lão già thấy được quyển chú giải này ngôn từ đơn giản dễ hiểu, trực chỉ vào gốc rễ vấn đề lại bỏ qua được cái dở của lối chú giải cũ. Tuy nhiên vì mục đích tính quá rõ ràng mà ngôn từ câu cú có hơi thô ráp, bèn đem về hiệu đính lại.
Hiệu đính xong xuôi đám đại nho ở Cẩm Giang ai nấy đều vuốt râu khen là diệu, không hẳn là vì kiến giải của Lê Ý kinh thế hãi tục đến mức nào mà là vì cách tiếp cận của nó đối với việc diễn giải tri thức. Quốc học Lam Sơn không phải là đang cần những tài liệu thẳng thắn mà hiệu quả như thế này sao.
Hai mươi mấy lão già bèn hè nhau dùng thời gian rảnh hơn ba năm nay, cứ theo cách tiếp cận của Lê Ý mà viết chú giải mới cho tứ thư ngũ kinh, coi là tài liệu giảng dạy cơ bản của trường quốc học Lam Kinh.
Trịnh Bang nghe thấy thế liền đưa ánh mắt cảm kích về phía Lê Ý, quả nhiên vẫn là Lê gia ca ca tốt.
-Đúng đúng, trước khi xuống đến Ngọc Sơn em sẽ đọc thuộc tài liệu của quốc học, anh Đạo phải tin em.
Buồn cười nhìn Trịnh Bang thề thốt khẳng định, Trịnh Đạo cùng Lê Ý khẽ liếc mắt nhìn nhau như hai con cáo vừa lừa được gà béo. Cố nhịn cười, Trịnh Đạo ra vẻ khó khăn nói.
-Thôi được, nếu thằng Ý đã xin xỏ thì anh cho mi thêm một cơ hội.
Đoạn Trịnh đạo đưa tay về phía Trịnh Bang ra hiệu vỗ tay thề.
-Nhất ngôn ký xuất!
Nắm chặt tay Trịnh Đạo, Trịnh Bang giọng vịt bầu hưng phấn hét to.
-Tứ mã nan truy!
Hưng phấn bừng bừng Trịnh Bang chạy vào phòng gói gém đồ đạc. Chẳng qua nó không thấy khoé miệng anh hai nó khẽ nhếch lên một đường đầy ý vị.
Sau khi bố trí Trịnh Bang xong xuôi, đoàn thuyền bốn mươi mốt chiếc chậm rãi gỡ neo lên đường. Từ Vĩnh Xương xuống đến cảng Nghi Sơn thuộc huyện Ngọc Sơn đi đường sông lên tới hơn ba trăm dặm, ngồi thuyền hết khoảng chừng ba đến năm ngày tuỳ con nước.
Đường sông xuống Ngọc Sơn có thể chia làm hai đoạn chính, đoạn đầu men theo dòng Lỗi Giang chừng một trăm tám mươi dặm đến huyện Đông Sơn (huyện Đông Sơn + một phần Tp Thanh Hoá ngày nay) đoạn thứ hai tại Đông Sơn rẽ vào sông nhà Lê dài chừng hơn một trăm ba mươi dặm.
Sông nhà Lê không phải sông ngòi tự nhiên mà là kênh rạch dẫn nước mới được đào từ thời Lê Nguyên Long. Đúng ra trong lịch sử năm 1438 Lê Nguyên Long sẽ cho đào kênh Tam Điệp – Biện Sơn nối liền sông Lèn với sông Trà Tu.
Cơ mà, với sự tác động của Lê Khôi, Lê Nguyên Long đã tạm dừng kế hoạch này lại thay vào đó là kênh Đông Sơn – Ngọc Sơn đưa nước Lỗi Giang hợp với sông Yên rồi xuôi nam thẳng xuống cửa Bạng (Ba Lang, Hải Thanh, Tĩnh Gia).
Hệ thống thuỷ lợi dài hơn một trăm ba mươi dặm này không chỉ mở con đường sông thông từ Cẩm Giang xuống Ngọc Sơn được liền mạch mà còn đảm bảo nước tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng ở phía đông phủ Tĩnh Gia.
Còn kế hoạch đào kênh Tam Điệp – Biện Sơn nghe chừng vẫn phải chờ thêm một hai năm nữa. Đây là hạng mục đàng nào cũng phải làm, từ Lỗi Giang thông lên sông Lèn, rồi lần lượt thông ra sông Trà Tu, sông Đáy cuối cùng kết nối với sông Hồng, lợi ích không biết bao nhiêu mà kể.
Tuy nhiên, đại công trình này khối lượng công việc quá khổng lồ, tốt nhất là chờ triều đình có lương ăn cho dân phu đã rồi mới triển khai kết nối hệ thống sông Lỗi Giang với hệ thống sông Nhĩ Hà được.
…
Cái xứ Lạc Thuỷ này đâu đâu cũng có núi non, sơn cốc, đoàn thuyền băng qua sơn cốc phía nam công xưởng, sơn cốc này vốn không có tên, đoàn người Lê Ý lên đây khai hoang đặt tên là Lạc Điền, ý là đi qua sẽ nhìn thấy ruộng đồng của xứ Lạc Thuỷ.
Nói đến Lạc Thuỷ, từ xưa nhắc đến nơi này không ai nghĩ đến ruộng lúa mà chỉ nghĩ đến giặc Cử Long. Cử Long từ xưa là một Mường rất lớn của người Mường ở miền tây Thanh Hoá, thời Đinh, Tiền Lê nhiều lần cất quân đi đánh nhưng người Cử Long dựa vào địa thế hiểm trở, mãi không dẹp được. Vệ Vương Đinh Toàn còn chết trận khi đi dẹp giặc nơi này.
Những kẻ đạo chích phản loạn phần nhiều đều nương nhờ Mường Cử Long cả, ngay cả Đông Thành Vương – Lê Long Tích nhà Tiền Lê thất thế trước Trung Tông – Lê Long Việt cũng chạy vào đây trốn tránh.
Mãi đến thời Lý Thái Tổ, vua thân hành đem toàn bộ thiên tử lục quân đi đánh, vây bắt được Quan lang đem chém, cho quân đốt phá không để lại gì, người Mường ở Cử Long tán loạn cả. Thời Lý Trần đặt đất ấy làm huyện Lỗi Giang, di dân, cắt đặt quan lại cai trị, từ đó mới yên được.
Đứng trên mũi thuyền nhìn trùng điệp một màu xanh chậm rãi trôi về phía sau, Lê Ý dang tay hít một hơi rõ dài mong cảm nhận được phần nào cái hùng vĩ mà tươi đẹp của nước non Lạc Thuỷ, nó lẩm bẩm.
-Rồi một mai, không chỉ Cử Long biến thành Lạc Thuỷ, chư Mường rồi sẽ biến thành Trấn Ninh, chư Thái rồi sẽ biến thành Quy Hoá. Ta hứa!
0