0
Chương 39: Tỉnh Táo
Ban ngày trời nắng nóng là thế cũng chả ảnh hưởng mấy tới nhiệt độ của nước sông, kể cả làn gió Lào khô rát đi qua mặt sông cũng trở nên dễ chịu đến lạ.
Trưa hôm nay đám sư sinh trường quốc học Lam Sơn đã xuống thuyền ở huyện Yên Định, từ đây theo hướng tây nam tầm bảy tám mươi dặm đi qua huyện Thuỵ Nguyên xuống huyện Lôi Dương rồi từ Lam Kinh qua đò sông Chu là đến trường quốc học ở núi Kiến Hưng, hết thảy độ hai đến ba ngày.
Lê Ý vẫn có chút coi trọng khí tiết của mấy lão già Trình Thuấn Du, Lý Tử Tấn, thành ra cũng không lo lắng gì lắm chuyện quốc học có đi lạc định hướng của nó hay không.
Đen chín kiếp mấy lão già kia lật lọng thật cùng lắm là dựng một trường đại học tư thục ở Cẩm Giang, dù sao ngược lên hướng Bình Xuyên độ chục dặm vẫn còn một thung lũng rất hợp để xây trường mới. Còn vấn đề kinh phí, hơi khoe khoang một chút, đối với nó tiền bạc chỉ là con số.
Vậy nên bây giờ nó đang tương đối thoả mái ngồi ở đầu thuyền cùng Trịnh Đạo ăn lẩu, ngồi cùng mâm còn có gia thần nhà Lê Ý là Lý Vĩ cùng gia thần nhà Trịnh Đạo là Nguyễn Tuy.
Lê Ý vừa gắp miếng cá phi lê mỏng như lá khoai chấm vào bát chẻo sánh mịn, cho vào mồm nhóp nhép hai ba miếng cảm nhận được độ béo ngậy mà thơm ngọt của thịt tấm tắc khen.
-Chú Vĩ đúng là tài, xuống đến khúc sông này còn bắt được con cá lăng to thế, cháu tưởng loại này phải lên mạn Tâm Châu, Sầm Châu mới có chứ.
Lý Vĩ cười đắc ý, híp mắt ra vẻ cao thâm.
-Hà hà … đây là bản lĩnh giữ nhà của thần, năm đó thần vẫn hay được theo hầu Hầu gia là nhờ nghề đánh cá này cả đấy.
Rượu quá ta tuần, Lê Ý mới nghiêng người hỏi Trịnh Đạo.
-Anh Đạo có biết vì sao trường quốc học Lam Sơn đã sắp khai giảng mà chuyến này em vẫn phải đích thân ra biển không?
Trịnh Đạo cân nhắc một chút rồi nhỏ tiếng nói.
-Sâu xa anh không biết, chỉ thấy sổ sách đầu năm nay chỉ đạt tám phần dự toán.
Vỗ đùi cười khà khà, Lê Ý biếng nhác.
-Đúng vậy á, hai phần thiệt hại sáu tháng đầu năm nhà ta hết thảy đến từ thị trường Đại Minh, nếu không phải thị trường Đại Hoà lẫn Triều Tiên đều có tăng trưởng thì thiệt hại đâu chỉ chừng đó.
Trịnh Đạo hơi có chút khó chịu hỏi.
-Sao đến nỗi ấy, không phải chúng ta đã nhường cho thương buôn Đại Minh quá nửa lợi tức sao. Ăn dày đến thế mà chút việc quan phủ cũng không lo được thì ta hợp tác với chúng có ích lợi gì?
Dựa vào lan can, Lê Ý có chút uể oải đáp.
-Chuyện trên trời rơi xuống chứ sao, năm ngoái tri phủ Quảng Châu là Phương Tá vừa mãn tang vợ trước, Phương thị liền sắp xếp cho hắn một mối hôn sự. C·hết một nỗi là nhà vợ kế của Phương Tá có liên hệ với Cố gia ở Thiều Châu, Cố gia lại không phải là một trong số mấy nhà được ăn chia trong hệ thống phân phối của chúng ta. Thế nên từ đầu năm tới giờ không lý này thì cớ kia hàng hoá của chúng ta non nửa không được dỡ xuống cảng.
-Vậy tại sao không kéo Cố gia vào, việc đơn giản như thế mà mi cũng phải đích thân dạy dỗ bọn chúng à?
Nghe thấy Trịnh Đạo hỏi một câu ngây thơ đến mức nực cười như thế, Lê Ý không khỏi cười phá lên, cười ra cả nước mắt. Đưa tay lên khẽ lau bên khoé mắt, nó liếc nhìn Trịnh Đạo nói.
-Anh Đạo nghĩ tất cả bọn chúng là lũ thiểu năng à? Chuyện mà dễ dàng như thế thì đã êm xuôi từ cuối năm ngoái rồi.
Trịnh Đạo như nắm bắt được cái gì, thấp giọng lầm bầm.
-Ý mi là.
Thấy Trịnh Đạo có vẻ đã hiểu, Lê Ý vô lực đáp.
-Cố gia nào chỉ có một mình, nó cầm đầu Thiều Châu thương hành, dưới trướng có đến mấy chục hãng buôn phủ khắp miền đông Quảng Đông. Ăn quả lẻ nghĩ thì thơm đấy, nhưng gia chủ Cố gia không muốn, cũng không dám làm như thế. Thay vào mà nghĩ, hai mươi mấy nhà còn lại của thương hội Vĩnh Xương sẽ phản ứng ra sao nếu nhà em làm như thế? Vậy nên?
-Vậy nên nếu đối tác của chúng ta - Quảng Châu thương hành lùi bước trước Cố gia thì phải cắt ít nhất một nửa lợi ích cho Thiều Châu thương hành, là một nửa.
Ngồi thẳng dậy thả một nhúm rau còn sống nhúng vào nồi lẩu sôi sùng sục, chờ rau chín nó gắp lên thổi thổi rồi cho vào miệng, nuốt xong miếng rau, húp miếng nước lẩu nó gật gù khen.
-Ngon.
-Hả?
Lê Ý vẻ mặt tự tiếu phi tiếu.
-Không có gì, ý em là đồ ăn rất ngon, em có thể ăn được rất nhiều, kẻ nào mà bảo em san bớt đồ ăn của mâm chúng ta cho mấy mâm khác em sẽ liều mạng với kẻ đó.
-Liều mạng, liều mạng …
Lẩm bẩm nhắc lại lời của Lê Ý, Trịnh Đạo quay ngoắt mặt sang hỏi Nguyễn Tuy.
-Chú Tuy, nói như thế chẳng phải ở Quảng Châu đã đang loạn lắm rồi hay sao?
Nguyễn Tuy đặt bát xuống, ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời.
-Hồi nhị công tử, từ đầu tháng năm đến nay đã có ba nhà bị “đạo phỉ” diệt môn, ẩ·u đ·ả đập phá là chuyện thường ngày.
Thấy Trịnh Đạo có vẻ nặng nề, Lê Ý khoát tay nói.
-Chuyện nhỏ, nào có đáng là gì, anh cứ để đó em lo được. Chú Vĩ, hàng hoá chuyến này chúng ta đem đi theo bao nhiêu?
Lý Vĩ không cần nghĩ, ngửa cổ đọc vanh vách.
-Hồi thiếu chủ, lần này chúng ta đem xuống Nghi Sơn tổng cộng năm ngàn sáu trăm tạ nhục tinh (336 tấn) hai ngàn bốn trăm tạ đường tinh (144 tấn) một vạn một ngàn tạ xà phòng (660 tấn) hàng hoá khác tất cả khoảng một ngàn tạ nữa ạ.
Ngồi bên cạnh nghe Lý Vĩ báo cáo, Trịnh Đạo không khỏi nhướng mày hỏi.
-Vì sao hàng của chúng ta nhiều xà phòng cùng nhục tinh mà đường tinh lại ít như vậy?
Lý Vĩ từ tốn giải thích.
-Hồi cậu Đạo, ngay từ ban đầu thương hội đã phân loại các loại khách hàng rất rõ ràng. Sản phẩm như đường tinh thực tế là chỉ bán được cho cao môn đại hộ thôi ạ. Còn nhục tinh, xà phòng là ta có thể bán cả cho cả tiểu hộ nông gia đến trung hộ thành thị đều rất đắt hàng.
-Ồ, vậy giá cả cụ thể như thế nào?
-Hồi cậu Đạo, đường tinh chúng ta đang bán vào cho thương nhân Đại Minh với giá gấp ba lần giá muối trên thị trường.
Trịnh Đạo quay sang hỏi Nguyễn Tuy.
-Giá muối của Đại Minh là bao nhiêu?
-Hồi nhị thiếu gia, giá muối mà thương nhân buôn muối nhập hàng vào khoảng trên dưới một lượng bạc một tạ, giá bán ra thị trường có thể gấp ba đến bốn lần giá nhập vào.
Trịnh Đạo hít một hơi khí lạnh.
-Nói như vậy chẳng phải mỗi tạ đường tinh ta bán sỷ đã có giá chín đến mười lăm lượng bạc hay sao? Vậy thì hai ngàn bốn trăm tạ đường tinh này chẳng phải …
Lê Ý mặt lạnh như tiền, miệng rót những con số như ma âm vào tai Trịnh Đạo.
-Tối thiểu gần hai vạn hai ngàn lượng bạc, trừ đi chi phí sản xuất, vận chuyển ta thu về ít nhất một vạn tám ngàn lượng bạc lãi. Một năm công xưởng đưa xuống Nghi Sơn sáu chuyến hàng, nếu bán suôn sẻ thu về ít nhất mười một vạn lượng. Nếu giá muối Đại Minh lên cao mười bốn mười lăm vạn lượng cũng là có thể.
Trịnh Đạo nuốt một ngụm nước bọt, vẻ mặt dại ra thì thầm.
-Đó mới là bán sỉ, nếu ta có thể mở tiệm bán trực tiếp …
Lê Ý vung tay tát thẳng vào mặt Trịnh Đạo.
-Tỉnh lại ... đường đường là công tử con quan sao lại bị chút lợi ích đó làm mờ mắt? Sản phẩm của chúng ta là độc quyền, trời sinh ở thế bất bại. Dù ai chiến thắng trong cuộc thương chiến ở Quảng Châu đều phải lạy lục chúng ta để mua hàng. Ai dạy anh từ bỏ lợi thế của mình mà dấn thân vào vũng nước đục như thế? Anh có nghĩ đến hệ quả khi dấn thân vào thị trường đó chưa?
Bị cái tát đau điếng của Lê Ý làm choàng tỉnh, Trịnh Đạo không những không giận mà còn nghiêm túc đứng dậy vái Lê Ý.
-Nhờ có hiền đệ ở đây cảnh tỉnh, nếu không ngu huynh hẳn là đi vào đường rẽ mất rồi. Đúng là nên để bọn chúng chó cắn chó, lợi tức như thế là thành quả chúng nên được.
Lê Ý thấy ánh mắt Trịnh Đạo trong sáng không giống giả vờ liền thở một hơi nhẹ nhõm, không hổ là một trong ba đứa đích tử của Trịnh Khả, cầm được buông được lại một lòng cầu thị.
Chỉ cần hôm nay trong mắt Trịnh Đạo có một tia đè nén nó sẽ ngay lập tức sai Nguyễn Tuy viết thư cho Trịnh Khả. Không cần thêm thắt gì hết, chỉ trình bày sự thực là đủ để Trịnh Đạo bị cấm túc ít nhất ba năm.
Nặng nề một chút có khi phần đời còn lại của hắn chỉ có việc ăn ngủ đ* ỉa, thực hiện sứ mệnh duy trì nòi giống cho lão Trịnh đầu.
Lê ý nhẹ gật đầu bảo Trịnh Đạo ngồi xuống rồi phất tay ra hiệu Lý Vĩ báo cáo tiếp.
-Thưa cậu Đạo, xà phòng chúng ta đã cắt sẵn một cân thành sáu thỏi (mỗi thỏi ~ 100g) mỗi thỏi bán sỷ cho đầu nậu chỉ mười văn tiền, một tạ thu về sáu lượng bạc, trừ đi chi phí sản xuất vận chuyển, mỗi tạ lãi bốn lượng bạc. Nhục tinh chúng ta đang bán bằng giá muối trên thị trường, mỗi tạ lãi ít nhất 2,2 đến 2,3 lượng bạc. Cả hai mặt hàng này chúng ta đều ký khế ước ràng buộc với đầu nậu đảm bảo giá bán ra trên thị trường không được vượt quá hai lần giá nhập vào. Nhà nào vi phạm ta đều có quyền đơn phương tuyên bố khế ước vô hiệu, quyền nhập hàng sẽ về tay nhà khác.
Trịnh Đạo vừa sờ dấu tay bỏng rát trên mặt vừa hỏi.
-Vậy là tính sơ sơ chỉ riêng ba mặt hàng chính mà suôn sẻ thì ít nhất cũng kiếm được ba vạn năm ngàn lượng bạc lãi. Hơn một ngàn tạ còn lại hẳn là cũng đáng tiền lắm chứ?
Lý Vĩ trả lời.
- Hồi cậu Đạo, một ngàn tạ còn lại chủ yếu là lụa sống đưa đi Đại Hoà, bên đó ra giá mười hai đến mười lăm lượng một xấp, cao gấp tám đến mười lần trong nước.
Dường như chợt nhớ tới cái gì, Trịnh Đạo lại đặt nghi vấn.
- Tại sao xà phòng cùng nhục tinh phải đặt giới hạn như vậy? Để cho thị trường tự quyết định giá cả không tốt sao?
Lý Vĩ nhức cả trứng nhìn sang Lê Ý, nó cười nhạt khoan thai trả lời.
-Theo định hướng ban đầu thì xà phòng cùng nhục tinh sẽ là nhu yếu phẩm chứ không phải xa xỉ phẩm. Đặc thù của nhu yếu phẩm là “nhanh-nhiều-tốt-rẻ” thứ chúng ta hướng tới là số lượng hàng bán ra phải thật nhiều chứ không phải là lãi ròng trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Gắp một miếng cá chấm ngập chẻo chậm ăn, Trịnh Đạo lại thắc mắc.
-Không phải người Trung Hoa cũng đã có chất tẩy rửa rồi sao, chúng ta chiếm lĩnh thị trường bằng cách nào?
Thật vậy, người Trung Quốc từ thời Tần - Hán đã biết dùng các chất tẩy rửa từ cây bồ kết. Đến thời Tống, người ta nghiền bồ kết hoặc bồ hòn, thêm vào các loại hương liệu cùng phụ gia để làm xà phòng thơm tắm gội.
Loại xà phòng này có tác dụng làm sạch tốt, hương thơm dễ chịu, nhưng vấn đề của nó là giá quá đắt, chỉ có cao môn đại hộ mới dùng nổi, còn dân thường thì vẫn phải sử dụng bồ kết hoặc bồ hòn để làm sạch.
Lê Ý nhếch mép nói.
-Xà phòng của Vĩnh Xương có tác dụng làm sạch vượt trội hơn hẳn bồ kết, bồ hòn, giá lại rẻ hơn các loại xà phòng làm từ mấy loại cây đó cả chục lần. Kể cả bọn thương lái có vụng trộm nâng giá thị trường lên gấp ba giá sỉ thì vẫn chỉ loanh quanh ba đến bốn cân gạo một thỏi mà thôi. Rẻ đến mức dân thường cũng có thể mua được thì sao ta lại không thể chiếm lĩnh thị trường Đại Minh?
Trịnh đạo có vẻ hiểu ra chiến lược “tràn ngập lãnh thổ” được Lê Ý vạch ra từ đầu, không nhịn được đưa ngón tay cái lên khen.
-Não của mi dùng tiện lắm, hèn chi bố anh bảo chuyến này đi nhớ tận dụng triệt để, ha ha …
Nghe Trịnh Đạo thổi phồng, Lê Ý cười thoả mái, đoạn nhìn thẳng vào mắt Trịnh Đạo, nói.
-Thái Tổ đã dạy “bậc tướng giỏi đời xưa tránh chỗ mạnh mà đánh chỗ yếu, lánh chỗ thực mà công chỗ hư, như vậy thì dùng sức một nửa mà được lợi gấp đôi”. Đạo kinh doanh trên thương trường hay tranh đấu trên chính trường cũng không ngoài như thế. Cốt yếu ở chỗ có đủ tỉnh táo để nhận thấy cái dở của mình ở đâu, cái hay của địch lại ở chỗ nào. Suy cho cùng, nắm bắt thời thế mà tuỳ cơ hành sự, đó mới là cảnh giới chí cao.