Logo
Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗

Lê Dung

Unknown

Chương 83: Bài Học

Chương 83: Bài Học


Đại Minh Hoàng thất Chu thị đối với sỹ phu vẫn có thể coi là tương đối ưu ái.

Chu Nguyên Chương bản thân ít chữ nhưng lại là bậc đại trí. Hơn bất cứ ai khác, lão thừa biết không có phép màu nào cho phép con cháu lão sau này đời đời đều là minh quân.

Vì vậy từ rất sớm lão đã phế bỏ tru·ng t·hư tỉnh cùng thừa tướng chế, xây dựng cơ quan quyền lực phụ tá mới - hàn lâm học sỹ cố vấn hay còn gọi là thủ phụ chế.

Theo đó tấu chương địa phương gửi lên triều đình tất cả đều được đưa về một trong ba tòa lầu các ở phía đông Tử Cấm Thành gọi là Văn Uyên Các.

Cũng vì vị trí nằm trong Tử Cấm Thành (nhà riêng của Hoàng Đế) nên cơ quan này được thiên hạ gọi là Nội Các.

Không thể không nói sáng kiến thành lập nội các của Chu Nguyên Chương đúng là ý tưởng thiên tài.

Một mặt, Hoàng Đế không còn phải đầu tắt mặt tối xử lý chính vụ, chuyện lớn chuyện nhỏ trong nước trước hết đều trải qua những cái đầu có sạn của chư vị Văn Uyên Các học sỹ sàng lọc, lại đưa ra phiếu nghĩ (đóng góp ý kiến).

Hoàng Đế nhà Minh chỉ việc xem xét ý kiến của chư vị học sỹ có hợp ý mình hay không, nếu đồng ý thì phê hồng.

Chính lệnh của triều đình phải có phê hồng của Hoàng Đế mới có hiệu lực pháp lý, nhờ vậy tuy không sát sao nhưng quyền uy của Hoàng Đế vẫn là tối thượng.

Hệ thống chính lệnh như thế vừa giải quyết được nhu cầu chõ mũi vào chính sự ... à nhầm, là ra sức vì nước của giới sỹ phu, vừa đảm bảo quyền lực của Hoàng Đế.

Về phần hoạn quan, đặc thù của thiên tử là sống cô độc một mình trong chốn thâm cung nên tay chân thân tín của Hoàng Đế chỉ có thể là hoạn quan.

Hoạn quan dựa vào vai trò trung gian giữa Hoàng Đế và Nội Các nên bọn chúng có điều kiện để bóp méo ý chí của Hoàng Đế đến Thủ Phụ và ngược lại.

Vào thời Minh, các Bỉnh bút Thái giám (hoạn quan thay Hoàng Đế phê hồng) có quyền lực trùm trời che đất là vì lẽ ấy.

Tuy nhiên, đây cũng chẳng phải mối đe dọa gì cho quyền lực của Hoàng Đế, đơn giản vì hoạn quan là một đám nô bộc của Hoàng Đế, quyền lực trong tay chúng là phái sinh từ quyền lực Hoàng Đế mà ra.

Nói thẳng ra, chúng là bầy c·h·ó trông nhà của Hoàng gia, Hoàng Đế còn uy quyền thì người ta mới để cho chúng sủa vài tiếng, cùng lắm rình rập cắn trộm vài cái mà thôi.

Trên đời không thiếu người thông minh, những kẻ leo l·ên đ·ỉnh cao trong đời nô bộc như chúng lại càng như thế.

Đám hoạn quan thấu hiểu quyền lực của mình từ đâu mà có. Vậy nên chúng có thể tham lam vô độ, có thể quyền khuynh triều dã, có thể thanh trừng dị kỷ nhưng không bao giờ có chuyện hoạn quan cố ý làm suy yếu uy quyền của chủ tử nhà mình.

Nhờ thế mà suốt mấy trăm năm tồn tại của mình, nhà Minh có không ít Hoàng Đế cả năm chẳng mấy khi lâm triều (như Hoàng Đế thợ mộc Chu Do Hiệu) nhưng tuyệt không có một mống quyền thần nào dám khinh khi nhà vua.

Mô hình quyền lực vững chắc như thế, nên khi sỹ phu Giang Chiết đến thuyết phục Lâm Mậu đứng lên vận động sỹ phu đất Mân đứng dậy gây sức ép cho Hoàng Đế thì thái độ của Lâm Mậu rất rõ ràng.

Chưa nói đến chuyện Chu Kỳ Trấn thả Vương Chấn ra cắn càn là có cái lý của Hoàng Đế. Vua nào triều thần nấy, Chu Kỳ Trấn phải có trong tay thủ phụ do chính hắn cất nhắc lên chứ không phải là tận dụng di sản từ thời Chu Chiêm Cơ cùng Trương Thái Hậu.

Lùi một bước, cứ cho là trong mắt sỹ phu, hành động của Hoàng Đế đã cực kỳ quá đáng. Khiến sỹ phu không còn cách nào khác phải đứng lên làm loạn thì lão Lâm hắn cùng lắm cũng chỉ tát nước theo mưa, chấm hết.

Xui lão Lâm đứng mũi chịu sào à? Không có đâu con sói ạ!

Nói đùa cái gì, với hệ thống hiện tại, chỉ cần Hoàng Đế không tự hủy trường thành, vì tham lợi lớn thích công to mà làm mấy chuyện ngu xuẩn thì Đại Minh có thể vận chuyển vài trăm năm nữa không thành vấn đề.

Công đức (mà thực ra là trí tuệ) của Minh Thái Tổ thâm hậu như thế đó, ngay cả đứa mù cũng có thể thấy rõ mười mươi.

Đứng ra phá hỏng cân bằng trong hệ thống quyền lực mà Thái Tổ dày công xây dựng thì sẽ bị ngàn đời sỷ vả, con cháu không sao ngẩng mặt lên được.

Lâm Mậu không có ngu.

Vốn tính cẩn thận, ứng phó xong xuôi rồi lão vẫn phải cất công về tổ trạch ở huyện Mân xin ý kiến lão đầu nhà mình – Lâm Chiêu, xem cái nhìn của lão đối với thế cuộc hiện tại ra sao.

Hắn một năm một mười hướng Lâm thị lão tộc trưởng đang ngồi trên ghế dựa phơi nắng chiều nói.

-Phụ thân, Chu thị Thiên Tử mấy năm nay để hoạn quan Vương Chấn tác oai tác phúc. Trời giận người oán, khiến cho sỹ phu, huân quý, môn phiệt khắp thiên hạ đều đã sắp tới giới hạn. Hôm trước con đã đuổi thuyết khách của Giang Chiết sỹ phu đi, nhà chúng ta không có khả năng cây cao đón gió vụ này.

Lâm Chiêu vẫn một bộ lim dim, cũng không vội trả lời, bàn tay nhăn nheo của lão dỡ chăn chiên trên người ra mới ngồi thẳng lưng dậy hướng Lâm Mậu bình thản nói.

-Liêu (đại danh của Lâm Mậu) Lâm thị chúng ta tồn tại từ thời Ngụy Tấn, đến nay đã hơn ngàn năm, mấy lần vương triều đổi thay đều bắt đầu bởi những sự vượt giới hạn như thế này. Tựa như bờ đê vậy, tuế nguyệt thoi đưa chẳng qua cũng chỉ đưa đến một chút hao mòn, cái đáng sợ lại là tổ kiến. Chỉ cần trên đê có một lỗ hổng, sừng sững mấy thời đại đê điều sẽ sụp đổ trong nháy mắt. Đến lúc đó, ngoại tộc sao lại không thừa dịp vắng mà vào, đến lúc đó chẳngphải là một tràng hạo kiếp sao!

Thấy Lâm Mậu vẫn một bộ cúi mình khom lưng lắng tai nghe thật kỹ, Lâm Chiêu thấm thía giảng giải.

-Mưu cầu quyền lực địa phương ngày một lớn không phải là sai, quyền lực mà, ai lại không muốn đâu? Thế nhưng vì mở rộng quyền lực của mình mà mở ra tiền lệ làm quốc gia suy sụp là hành động nhược trí. Bởi lẽ tổ vỡ nào có trứng lành. Triều đình Yên Kinh trở thành biểu tượng rồi đám c·ướp biển Đông Doanh, Lưu Cầu, Nam Dương thậm chí là An Nam sẽ để yên cho chúng ta sao? Lại nói, Lâm thị chúng ta ở đất Mân hiện tại đã là Hoàng Đế không ngai, tát nước theo mưa con có thể vớt được thêm bao nhiêu lợi ích? So với nguy cơ tiềm ẩn có đáng hay không?

Lâm Mậu không chắc chắn lắm hỏi.

-Phụ thân, không đến mức đó chứ?

Lâm Chiêu đứng dậy, hướng về biển lớn khẽ đến mức chỉ có Lâm Mậu nghe được nói.

-Năm đó nhà Bắc Tống còn tại, Quan Trung Tri chế sứ Trương Tuấn lĩnh mệnh trấn thủ quan trung đương cự với quân Kim của Ngoa Đóa (Hoàn Nhan Tông Trụ) cùng Ngột Truật (Hoàn Nhan Tông Bật). Trước khi nhậm chức Tuấn lên kế hoạch xây dựng ba vạn tinh binh làm nòng cốt, trong đó có một vạn bộ binh trọng giáp. Một vạn bộ trọng giáp hết thảy ba mươi tám vạn quan tiền. Đó là chưa kể đao thương, lương thưởng, phụ cấp v.v... tổng cộng chi phí cho ba vạn tân quân của Trương Tuấn không dưới một trăm vạn lượng bạc.

Lâm Mậu nghe cha Lâm Chiêu nói, hơi nhíu mày.

-Ý phụ thân là?

Lâm Chiêu cười nhạt.

-Đại Minh từ thời Thành Tổ đến nay mấy lần động binh, trước là chinh phạt An Nam, sau là trấn áp Mông Cổ, trước sau dùng binh tới cả trăm vạn. Ngươi có biết động binh ở cường độ như thế cần bao nhiêu tiền lương không?

Thấy Lâm Mậu há mồm ngáp ngáp Lâm Chiêu vỗ vai Lâm Mậu nói.

-Thuế thương triều đình thu vào chưa năm nào vượt quá ba trăm vạn lạng, còn nhà Tống, chỉ riêng thời Tống Cao Tông, thuế thương đã lên tới bốn ngàn chín trăm vạn quan. Thái Tổ triều ta đúng là bậc đại trí, dựa vào vệ sở chế có thể nuôi trăm vạn hùng binh không mất một hộc gạo, đó là điều không cần bàn cãi. Thế nhưng vệ sở chế chỉ tiết kiệm khi bị động phòng ngự mà thôi, cất quân chinh phạt không khác gì các thời đại trước. Con nhìn xem, từ thời Thành Tổ đến nay động binh đều là chinh phạt. Vậy thì thâm hụt ấy giải quyết như thế nào?

Lâm Mậu vô thức trả lời.

-Nông thuế!

Lâm Chiêu gật đầu nói.

-Những năm vừa qua triều đình không ngừng tăng nông thuế. Từ thời Thái Tổ, ngoại trừ vùng Thái Hồ bị áp thuế lương 20% ra các Thừa tuyên khác chỉ phải chịu mức thuế nông loanh quanh 10% mà thôi. Triều đình đương nhiên là không dám làm trái lời răn của đức Thái Tổ, thế nhưng để bù đắp thâm hụt, mấy năm nay triều đường liên tục đưa thêm các hạng mục canh tác khác nhau vào phạm vi thuế nông. Từ chính đáng như dâu tằm đến vô lý như ao cá, chặt cây v.v... thậm chí đầu năm nay vi phụ còn nghe nói người của đảng Đông Lâm đang đề xuất thu thuế cây cọ ở Quỳnh Đảo. Con nói xem đánh thuế như thế dân chúng có thể chịu đựng bao lâu nữa? Nếu - vi phụ nói nếu thôi nhé – triều đình Yên Kinh lại mất năng lực khống chế địa phương nữa thì con có còn cho rằng vi phụ đang nói lời giật gân không?

Lâm Mậu âm thầm chảy mồ hôi lạnh. Tăng thuế không đáng sợ, đáng sợ là tăng thuế liên tục vào một tập đối tượng nhất định, mà nói thẳng ra là nông dân.

Dân chúng phải nộp hàng chục thứ thuế, bình thường vẫn gánh vác được. Thế nhưng chẳng may gặp năm tai ương, ruộng đồng mất trắng, ao hồ trơ đáy thì biết dựa vào đâu?

Đó cũng chưa đủ để kích động loạn lạc, c·ái c·hết là đám địa chủ, thương nhân, môn phiệt nhân dịp này mà ra sức thâu tóm đất đai, nhà cửa, nô bộc.

Lần một lần hai thì cũng thôi, đàng này hết năm này qua tháng nọ lặp đi lặp lại như thế người dân không còn đường nào bất đắc dĩ phải vùng lên.

Đến lúc đó lại là một hồi gió tanh mưa máu.

Tộc sử của Lâm thị hơn ngàn năm qua ghi chép quá nhiều lần vương triều lần một lần hai đối phó với khởi nghĩa của dân đói. Từ thịnh thế dần dần hướng đến bờ diệt vong.

Ngăn cản ư? Ai ngăn cản? Ngăn cản ai? Ngăn cản bằng cách nào?

Ngay cả thứ chi của Lâm thị cũng đang tích cực thâu tóm đất đai. Bây giờ Lâm Mậu há mồm ra nói nửa chữ “khoan” thì tất cả các tập đoàn lợi ích ở đất Mân này chắc chắn sẽ đồng loạt đứng lên lấy cái mạng c·h·ó của hắn ngay.

Dựa vào đâu Lâm Liêu ngươi thụ hưởng lợi ích từ tập đoàn lợi ích mà lại có can đảm ngăn cản mọi người phát tài?

Đoạn người tiền tài như thù đoạt vợ g·iết cha nào phải câu nói suông.

Cùng lắm c·hặt đ·ầu hắn xong đưa đứa con trai mười một tuổi của hắn lên làm Lâm thị tộc trưởng đời kế tiếp là được.

Như chợt nhớ ra cái gì, Lâm Mậu hướng Lâm Chiêu hơi có chút chần chờ nói.

-Phụ thân, con nghe nói đầu tháng trước ở huyện Ninh Hóa, phủ Đinh Châu có tên nông hộ gọi là Đặng Vân, hắn tổ chức hương dân g·iết địa chủ địa phương là Đào Đáo, c·ướp vàng bạc, đốt giấy nợ, hủy khế đất. Hiện đã đang lẩn trốn không biết đi đâu.

Lâm Chiêu thở dài, khóe mắt nhăn nheo run rẩy.

-Bắt đầu rồi, nhanh! Phái người đến Giang Tây phân trần mọi nhẽ, nói cho Hà Văn Uyên, nếu hắn dám há mồm ra hiệu triệu sỹ phu Giang Chiết làm loạn, Lâm Chiêu ta ắt xuất sơn khiến hắn thân bại danh liệt.

Nhìn bóng lưng con trai nhanh chóng ra ngoài sai người truyền lời, Lâm Chiêu thống khổ nhắm mắt lại, lầm bầm nói.

-Người, vạn linh chi trưởng, ngàn năm qua đi bài học duy nhất rút ra được lại là không bao giờ có bài học nào được rút ra cả!

Chương 83: Bài Học