Logo
Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗

Lê Dung

Unknown

Chương 91: Nấu Ếch

Chương 91: Nấu Ếch


Điển lễ khai giảng của trường quốc học Lam Sơn khác hẳn các mô hình trước đó, mà nói thẳng ra là bất kể quốc tử giám hay trường làng từ trước đến nay đều không có cái gọi là khai giảng.

Nhà Lê chỉ có hệ thống công học đến cấp lộ (tương đương cấp tỉnh) để dạy học sinh đỗ đạt bậc thứ ba (thi cử đỗ đạt trước thời Lê Thánh Tông chia làm ba bậc(1) lần lượt là bậc thứ nhất, thứ hai và thứ ba) ở cấp thấp hơn nữa thì chưa có hệ thống giáo d·ụ·c phổ thông hoàn chỉnh nên cứ ai đỗ ông cống, ông cử thậm chí thầy đồ đều có thể mở lớp dạy chữ cả.

Học sinh đến xin học cũng chỉ đem lễ vật đến biếu thầy là được, lễ vật đến cỡ nào thì tùy vào danh vọng của thầy.

Ngay cả trường Quốc tử Giám cũng không có lệ khai giảng. Chư vị công tử con quan hoặc “Giám sinh”(học sinh đỗ đạt được sung vào Quốc tử Giám) sung đến Quốc tử Giám học tập cũng như làm trừ bị cho triều đình, quan lại đều lấy từ nguồn trừ bị này cả.

Lần đầu khai giảng Quốc học Lam Sơn có gần ba trăm học sinh tất cả, đám công tử con quan có độ hai trăm tên, huân quý có, thế tộc có. Phần còn lại là độ gần một trăm“sinh đồ” (học sinh đỗ đạt nhưng không được vào Quốc tử Giám) còn nhỏ tuổi.

Tất cả thư gọi nhập học đều do hai vị đại nho đích thân chắp bút. Đúng là Lê Ý hơi coi nhẹ vị thế của những kẻ nắm giữ quyền diễn giải học vấn ở tầm cao nhất như hai lão đầu Trình Hiền, Lý Thối.

Đối với đám học sinh hạng ba ở cả lộ, trấn thì đây chính là ân huệ bằng trời. Tuy chưa biết đến trường quốc học mới này sẽ được học tập những gì nhưng từ ba tháng trước đã có học sinh lục tục khăn gói đến chân núi Kiến Hưng.

Thành ra công tượng đang cực kỳ gấp rút hoàn thiện Quốc học Lam Sơn phải quay sang tập trung lo nơi ăn chốn ở cho bọn học sinh này.

Đám con cháu quan lại, huân quý ở Đông Kinh mãi đến nửa tháng trước mới theo đoàn thuyền về Lam Kinh ăn giỗ đầu Lê Nguyên Long mà đến.

Ngoại trừ nhà Nguyễn Trãi mới bị tru di năm ngoái còn lại chín mươi hai nhà công thần Lam Sơn khác đều có ít nhất một suất.

Ngay cả hai nhà bị coi là tội đồ như nhà Trần Nguyên Hãn cùng Phạm Văn Xảo cũng không ngoại lệ.

Đối tượng chiêu sinh sâu rộng như vậy nên nhiều người thực sự không thể nhắm mắt làm ngơ, lần này cất công vào Thanh Hóa không chỉ có đám học sinh hay phụ huynh, mấy vị tai to mặt lớn của Quốc tử Giám cũng túc tắc ngồi thuyền vào ăn giỗ “nhân tiện” ghé qua dự lễ khai giảng.

Quốc tử Giám Tế tửu - Nguyễn Thành (Nguyễn Tử Hoàn) vẻ mặt lạnh nhạt nhìn gần ba trăm tên học sinh hướng đứa trẻ ba tuổi làm lễ học sinh.

Lắc nhẹ đầu, hắn thực sự không biết phải nói như thế nào, bọn Trình Hiền, Lý Thối làm quá gọn gàng.

Nhân cơ hội Hoàng Đế đang ở Lam Kinh đội cho Lê Bang Cơ cái mũ Tế Tửu to đùng, bọn hắn thì chỉ làm tả hữu Tư Nghiệp, Lê Ý làm kim chủ đề xướng miễn cưỡng lăn lộn được một chức Giáo thụ.

Đúng là ôm hết việc nặng nhọc vào người rồi chắp tay nhường công cho Hoàng Đế.

Bố trí như thế này thì đám học sinh Quốc học Lam Sơn nghiễm nhiên trở thành môn sinh Thiên tử.

Đây chính là dòng chính của Hoàng Đế, Lê Bang Cơ là cái bắp đùi lớn nhất thiên hạ, mai này ra trường nhập sỹ thì chỉ có loại tâm thần mới bày trò mèo vuốt râu rồng mà o ép bọn chúng.

Bố trí của Trình Hiền nhìn như là bắt Lê Ý bỏ tiền bỏ tri thức ra làm việc bao đồng thế nhưng Lê Ý lại cực kỳ hài lòng.

Năm nay nó mới mười lăm tuổi tính cả tuổi mụ mới mười sáu, dù đóng góp to lớn đến mức nào cũng không thể thay đổi sự thực này.

Cây cao đón gió lớn, đạo lý này là Lê Khôi dùng roi mây dạy dỗ nó từ năm tám tuổi.

Nhất là trong mảng rừng mang tên tri thức này lại càng như thế.

Đừng nhìn đám đại nho không tiếc lời ca người Đại Học chú giải của nó lên mây mà lầm tưởng địa vị của Lê Ý trong mắt họ.

Lê Ý còn trẻ không phải vấn đề, Lê Ý bác học càng không phải vấn đề. Một thằng nhóc mười lăm tuổi trở thành đại gia trong làng học vấn mới là vấn đề.

Điều đó có nghĩa là nếu không ai ra tay kiềm chế thì nó có tới năm sáu chục năm ngồi trên đỉnh danh vọng học vấn.

Trời mới biết bọn hắn khuất núi rồi thằng nhóc này còn bày ra trò gì, đây mới là vấn đề.

Năm đó Bàng Quyên vì lẽ gì mà hại đồng môn Tôn Tẫn? Lão làm như thế không phải vì quyền diễn giải Binh gia sao?

Nào phải tự nhiên mà Lý Tư xui Tần Vương Chính đốt sách chôn nho? Lão làm như thế không phải là vì độc tôn Pháp gia sao?

Lê Ý chưa bao giờ nghi ngờ chỉ cần nó ngóc đầu lên vị trí tương đối cao ở Quốc học Lam Sơn thì mấy lão già này sẽ không chút lưu tình dùng tất cả sức lực và ảnh hưởng để nghiền nát nó.

Dây vào đám toan nho không ai thoát khỏi một thân thối, đám lão già gần đất xa trời này lại càng hơn một bậc.

Đại nho Lê Ý nhà chúng ta đành phải cụp đuôi làm người thường vậy, phía trước có thằng em họ quý hóa (Lê Bang Cơ) cùng hơn hai mươi tên lão làng trong làng học vấn chống đỡ.

Đều là đại nho cả, chẳng lẽ mấy lão già vô sỉ các người còn không cho hơn hai mươi Bác sỹ, Giáo thụ, Thị giảng Quốc học Lam Sơn chút mặt mũi nào sao?

Đời còn dài, chờ mấy lão già vô sỉ này xuống lỗ rồi nó không ngại đứng trước mộ phần bọn hắn nhảy disco.

Nay lấn một chút, mai chen một tẹo, chỉ cần cho Lê Ý độ hai ba chục năm thao tác, bức màn sắt mấy lão già này giăng ra để bảo vệ quyền diễn giải tri thức của Quốc tử Giám lại đáng là gì.

Nguyễn Thành đương nhiên là không nhận ra (hoặc nhận ra thì cũng bất lực) âm mưu thâm độc của Lê Ý.

Quay sang nhìn Quốc tử Giám Bác sĩ - Nguyễn Tú (Nguyễn Tấn Tài) đang chăm chú đọc “Trung Dung chú giải” mà Lý Thối mới dúi cho, lão chỉ có thể lắc đầu chán nản.

Mấy cuốn sách này lão cũng được tặng một bộ, từ Tứ thư đến Ngũ kinh đều có ít nhất một quyển chú giải như thế này.

Bộ sách này ra đời có nghĩa là đây không chỉ còn là phong cách của một thằng nhóc chưa ráo máu đầu như Lê Ý mà đã lan ra toàn bộ mấy chục tên đại nho ở Lam Sơn rồi.

Càng đáng lo hơn là ngay ngày đầu tiên nhận được sách, lão đã nhận ra chữ nghĩa trong những cuốn sách này thẳng đều tăm tắp như nhau.

Có ngu đến mấy lão cũng có thể nhận ra toàn bộ hơn chục cuốn sách trong chiếc hòm kia không phải sách chép tay mà đều là sách in ấn.

Thời đại này sách muốn in đều phải khắc mộc bản, theo lẽ thường thợ khéo chạm khắc từng miếng gỗ một cực kỳ công phu.

Cả chục tác phẩm chú giải là một khối lượng công việc cực kỳ đồ sộ, không có ba bốn năm cùng lượng nhân lực vật lực hùng hậu thì đừng có mơ mộng hão huyền.

Tuy nhiên, theo lão được biết thì cuốn “Đại Học chú giải” của Lê Ý mới ra đời nhiều nhất là hai năm nay. Những cuốn khác thậm chí còn ra đời muộn hơn.

Điều này có nghĩa là gì?

Nghĩa là thằng ranh con kia lại theo sư phụ tiên nhân học được phép in ấn nhanh chóng hơn khắc mộc bản cả chục lần.

Đối với đại nho như lão thì đây không biết là tin vui hay buồn.

Vui là trong tương lai gần, kỹ thuật mới này cho phép sự học của học sinh khắp Đại Việt được dễ dàng hơn.

“Tri thức là đắt đỏ” từ ngàn đời nay năm chữ này luôn đúng theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Ngay cả ở thời đại giàu có và phát triển cao về kỹ nghệ như thời Tống thì giá sách cũng không hề rẻ. Một bộ “Đại dịch túy ngôn” một ngàn ba trăm trang đã có giá tới tám lạng bạc.

Thậm chí, đến cuối thời Thanh, một bộ tạp thi như “Nguyên khí tập” hết thảy hơn bốn mươi trang giấy vẫn có giá đến mười sáu lạng bạc. (2)

Ở Trung Quốc giàu có và đông đúc, sử dụng song hành cả in rời lẫn in mộc bản đã thế, sách vở ở Đại Việt toàn in bằng mộc bản lại càng đắt đỏ hơn.

Việc tiếp cận tri thức của người cầu học chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng, một sỹ tử cả gia tài chỉ có dăm ba cuốn sách không phải là chuyện hiếm hoi gì.

Không nghi ngờ gì, phép in ấn mới ra đời cho tốc độ in ấn nhanh hơn cùng rẻ hơn chắc chắn là đại thiện đối với sự lan truyền tri thức.

Cả đời cống hiến cho sự học như Nguyễn Thành sao có thể không vui vẻ cho được.

Thế nhưng, vui quá hóa buồn, cũng chính vì tri thức là đắt đỏ như vậy nên sĩ tộc như gia tộc lão mới có thể thỏa mái nắm quyền diễn giải tri thức trong tay đến cả trăm năm như bây giờ.

Đến mức triều đại đổi thay nhưng sĩ tộc trường tồn sao lại không có một phần là vì họ nắm giữ đỉnh cao học thuật ở Đại Việt cơ chứ.

Suy cho cùng, ngay cả họ Lê cùng tập đoàn huân quý Thanh Nghệ hùng mạnh như thế cũng phải chia sẻ quyền lực triều đình cho sĩ tộc.

Dẫu biết bọn họ mặt ngoài cung kính, sau lưng khinh rẻ hoàng quyền cũng không thể không bịt mũi cho qua là vì lẽ gì?

Nói không ngoa, địa vị của Nguyễn Thành có một phần đáng kể đến từ sự thiếu thốn tri thức này.

Mai đây tri thức không còn đắt đỏ như xưa nữa, dù ít hay nhiều cũng sẽ làm rung chuyển chỗ dựa quyền lực của sĩ tộc.


Thực tế còn nghiêm trọng hơn nỗi lo của Nguyễn Thành.

Chương trình học của Quốc học Lam Sơn ngoài mấy môn quen thuộc như Đại Học, Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử còn có “hành chính công” “vật lý” “thiên văn” “toán học” v.v.

Định hướng của Quốc học Lam Sơn ngay từ ban đầu đã rất rõ ràng, không chỉ đào tạo văn nhân mà quan trọng hơn là đào tạo tầng lớp quan lại biết làm việc cho triều đình Đông Kinh.

Hồi còn mồ ma Lê Nguyên Long, hắn ghét cay ghét đắng việc phải ân xá cho đám phạm quan bị lưu đày về Đông Kinh tiếp tục ăn trên ngồi trốc.(3)

Trong mắt vị Hoàng Đế táo bạo này, đây là một sự sỉ nhục đối với triều đình, với uy quyền Hoàng Đế. Vì vậy mà hắn nhất quyết yêu cầu Quốc học Lam Sơn trước hết phải đào tạo cho triều đình một lớp quan lại có năng lực quản lý địa phương.

Sử dụng chữ ký âm là ý của Trình Hiền, lão cho rằng ba trăm tên tân sinh này dù không phải thành phần tinh hoa nhất của Đại Việt thì cũng đều là phường biết chữ nghĩa cả.

Không có lý nào nhận biết được ba ngàn chữ hán mà lại không biết xếp mấy chục chữ ký âm thành câu chữ đàng hoàng được.

Còn Lê Ý cũng vô sỉ không kém, từ trước khi theo thuyền ra khơi đã bàn giao với mấy vị toán học đại sư rằng lúc nó về thì tất cả học sinh thư viện phải thành thục chữ số thập phân, phân số, thống kê cơ bản bằng bảng biểu, hình học cơ bản.

Lê Ý không định nuốt lời, ai muốn học văn làm thơ thì nó để cho làm thơ, muốn học võ thì sẽ có võ sư kèm cặp, nghiên cứu vật lý sẽ có phòng thí nghiệm v.v. nhưng đó là chuyện sau khi đám chuột bạch này vượt qua các môn đại cương cái đã, hề hề ...

Còn bây giờ, ở Quốc học Lam Sơn có ba trăm con chuột bạch lam lũ khổ sở từng ngày học thuộc luật lệ triều đình, thủ tục hành chính, lại còn phải ghép vần, chuyển vế đổi dấu các thứ.

Chú thích:

(1) ĐVSKTT, bản kỷ, quyển XI, tờ 4a:Ngày mồng 4, thi học sinh trong cả nước. Lấy đỗ hơn 1.000 người, chia làm ba bậc. Bậc nhất và bậc nhì thì đưa về Quốc tử giám, bậc ba thì cho về học tại nhà học các lộ, đều cho miễn lao dịch.

(2) Từ Tăng, “Khắc nguyên khí tập lệ”.

(3) ĐVSKTT, bản kỷ, quyển XI, tờ 2b: Ngày 13, bổ các quan viên lớn nhỏ trong ngoài là bọn Lê Trãi 156 người. Những người tội nhẹ xử đi đày nhưng được ân xá là bọn Phan Quý Khanh cũng được dự trong số đó.

Chương 91: Nấu Ếch