Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗
Lê Dung
Unknown
Chương 92: Tín Ngưỡng
Chẳng mấy chốc trường Quốc học đã đi vào quỹ đạo, đám đại nho Quốc tử Giám - Nguyễn Thành, Nguyễn Tú, Hoàng Hiến v.v. đều bôi mặt kiếm cớ ở lại nghe giảng.
Mấy lão già Trình Hiền, Lý Thối cũng chả xua đuổi.
Không ý nghĩa gì, ngay từ khi mở trường dạy học trường Quốc học đã gửi giấy gọi cả con cháu quan lại trong triều, nội dung giảng dạy sớm đã chẳng có gì bí mật.
Bí mật công khai của Quốc học Lam Sơn là hệ thống tín chỉ cùng hình thức quân sự hóa quản lý học sinh.
Mấy điều này đều phơi bày ra đó, đứa trẻ bảy tuổi cũng có thể nhận thấy nhưng muốn áp dụng vào hệ thống đã cũ của Quốc tử Giám nói nghe thì dễ.
Vậy nên mấy lão chỉ có thể bỏ qua mà cầu việc khác, giả như hệ thống chữ ký âm, số học, quan điểm nghiên cứu kinh điển mới v.v.
Tranh đấu học thuật cốt để đồng hóa chứ không phải tiêu diệt.
Mấy lão đầu này chỉ mong sao bọn túc nho Quốc tử Giám thấy được cái hay của Quốc học Lam Sơn rồi không nhịn được mà học tập, biến đổi theo. Đó là công đức đại thành vậy.
Nói đến hình thức quân sự hóa quản lý học sinh, người chịu trách nhiệm cho hạng mục này là tam triều nguyên lão - Lê Lễ.
Năm nay Lê Lễ đã bảy mươi lăm tuổi, đúng ra sau khi bàn giao Nhập nội Kiểm sát ty cho Nguyễn Cung xong rồi lão đã có thể về vườn ở ẩn vui thú điền viên.
Thế nhưng như lão vẫn nói “cái thân già này bôn ba quen rồi, về vườn làm phú ông nhàm chán không chịu được”. Thế nên ngay khi nghe nói Quốc học Lam Sơn cần một vị đại lão trấn áp đám công tử con nhà huân quý, quan lại lão liền xung phong nhận việc này.
Lê Lễ là ai? Gia thần của Thái Tổ Lê Lợi, từ buổi đầu Thái Tổ nổi dậy đã theo sát bên mình hết sức phò tá.
Đến mức sau khi đại nghiệp đã thành, trên đài luận công ban thưởng Thái Tổ phải cảm khái nói.
“Luận về công lao thì ngôi Tể Tướng không ngươi còn ai nữa?”
Uy tín của Lê Lễ trong hàng huân quý Lam Sơn lớn đến mức khi Nguyễn thị Lộ bên gối Lê Nguyên Long buông lời gièm pha khiến ông bị giáng truất thì ngay lập tức Nguyễn Trãi (được cho là kẻ xúi d·ụ·c Nguyễn thị Lộ) bị toàn bộ phe huân quý Lam Sơn chèn ép đến mức phải về Côn Sơn ở ẩn.
Nay Lê Lễ tình nguyện xin một chân “quản lý” ở Quốc học Lam Sơn chẳng khác gì cập thời vũ.
Đám con cô con cậu đã quen phách lối ở thành Đông Kinh nhìn thấy lão không đứa nào không cụp đuôi lại làm người.
Nói đùa cái gì, chọc cho vị đại lão này điên lên không chỉ quân pháp hầu hạ, có khi ông bà già bọn chúng ở tận thành Đông Kinh còn tức tốc vào Thanh Hóa bồi cho chúng thêm trận đòn nữa.
Dưới sự đàn áp bằng roi mây của lão Lễ, toàn bộ đám công tử con quan ở trường Quốc học không thể làm gì khác ngoài rời xa cuộc sống xa hoa hưởng lạc.
Sáng sớm trống canh mới điểm đầu giờ dần (5 giờ sáng) từng tên hoàn khố phá phách ngày nào đã ngoan ngoãn cầm chậu vắt khăn trên vai ra mấy giếng nước chung quây quần rửa mặt.
Tên nào tên nấy đều tác phong nhanh nhẹn, bọn chúng chỉ có một khắc (~14 phút 24 giây) để hoàn thành vệ sinh cá nhân.
Xong xuôi phải chạy bộ nửa canh giờ rèn luyện thể chất.
Trình Hiền cho rằng Lê Ý nói rất đúng, người quân tử không nói tinh thông lục nghệ, lên ngựa có thể đánh trận, xuống ngựa có thể trị quốc, ít nhất cũng phải thân thể kiện khang, bệnh tật lui tránh mới có thể thỏa thích nghiên cứu học thuật.
Cái thói thư sinh chân yếu tay mềm lưu truyền từ thời Tống đến nay làm hại hình tượng nho gia quá lắm.
Thế nên lão quyết tâm thay đổi, bắt đầu từ đám học sinh Quốc học Lam Sơn này. Sáng chạy bộ rèn luyện thể lực, chiều tập võ rèn luyện thân thủ, khiến đám hoàn khố lẫn hàn môn hiếm khi đồng lòng với nhau cùng khóc lóc kêu cha gọi mẹ.
Bọn học sinh sáng sớm chỉ uống miếng nước trong sau khi chạy bộ cả chục dặm quanh núi Kiến Hưng tên nào tên nấy thở hồng hộc như lợn giống tràn vào nhà ăn của Quốc học ăn sáng.
Bọn chúng như quỷ c·hết đói chẳng bận tâm hình tượng gì miếng lớn ăn ngụm to nuốt. Trung thực mà nói thức ăn trường học cũng chả phải loại ngon lành gì lắm, thế nhưng đối với đám hàn môn chỉ quen ngày hai bữa thì trường học ngày ba bữa đầy đủ thịt cá đúng là thiên đường.
Bọn hoàn khố ban đầu cũng không mặn mà lắm nhưng ngay khi nhận ra tiếp tế từ Lam Kinh không thể vào được núi Kiến Hưng thì đành hết cách.
Lê Lễ quản lý thư viện nói "không cho thân nhân vào thăm" nghĩa là không được, dù là mấy vị hầu gia trước khi theo đoàn ăn giỗ Lê Nguyên Long về Đông Kinh nán lại tham quan môi trường học tập của con cái cũng không được.
Lê Thụ xin xỏ vào thăm con không được lại xin cho gia thần ở lại tiếp tế cho con trai bị Lê Lễ chỉ tay vào mặt hỏi “con mi không phải con cháu tướng môn chăng?”
Đại lão như Lê Thụ cũng phải ỉu xìu không chèo kéo thêm gì nữa, từ đó không ai dám có ý nghĩ đi đường tắt phá hỏng quy củ.
Khệnh khạng ngồi ăn phần ăn sáng của mình, nhìn đám học sinh mặc đồng phục màu lam kỷ luật như sắt trước mặt lão không khỏi có mấy phần tự đắc.
Tất cả đồng phục học sinh trường Quốc học đều được thống nhất cấp phát.
Ban đầu Lý Thối phản đối rất mãnh liệt, lão cho rằng quân tử không được xa rời quần chúng, thành nhân ngày xưa dù đã thành đạo vẫn không xa rời thế nhân các thứ v.v. y quan màu lam kia trong mắt Lý Thối là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức quân tử.
Lúc đó Lê Ý chỉ nhếch mép khinh thường lão già giàu trí tưởng bở.
“Cái gì? Để cho đám hoàn khố cùng sinh đồ đó mặc áo vải gai của thường dân á? Vừa đàn áp về thể chất, vừa đàn áp về tinh thần như thế bọn chúng có lòng cảm mến với trường học mới là lạ. Y quan màu lam này chính là biểu hiện của trường Quốc học Lam Sơn, là minh chứng cho việc chúng đang trong quá trình tu tập rèn luyện khắc nghiệt khác hẳn người thường. Không có vầng hào quang đó dựa vào cái gì khiến bọn chúng tích cực rèn luyện thể chất, trau dồi tri thức?”
Đúng vậy, Lê Ý muốn y quan màu lam của Quốc học Lam Sơn trở thành một loại dấu hiệu, một loại tín ngưỡng tạo ra lực quy tụ.
Để có được hiệu ứng như thế màu lam thôi là chưa đủ, chất liệu của đồng phục phải bằng lụa trơn. Kiểu dáng của đồng phục trường Quốc học cũng là kiểu áo dài hiện đại.
Lý do nó chọn kiểu áo này à? Vì thời Lê Sơ chưa có nơi nào có kiểu dáng như thế này chứ sao!
Kết hợp với phù hiệu riêng có của Quốc học Lam Sơn nữa là đủ bộ.
Một tổ hợp như thế về cơ bản là riêng có, là độc nhất, không thể nào mượn bất cứ danh nghĩa nào sao chép hoàn toàn được.
Qua đó khiến cho đám học sinh đều vô thức cho rằng được khoác lên y quan màu lam này là một loại vinh dự có thể khoe khoang đến trọn đời.
Chỉ có tạo dựng loại tín ngưỡng như thế mới đủ để đảm bảo mai này ra trường rồi quan cao lộc hậu chúng vẫn mãi có đề tài chung với nhau, từ đó bất giác hình thành một tập đoàn lợi ích lấy trường Quốc học làm trung tâm.
…
Trong lúc đám học sinh Quốc học Lam Sơn đang bị mấy lão già vô sỉ cùng một thằng nhóc trên cả vô sỉ bắt đi làm chuột bạch thì trên miền sơn cước Hưng Hóa cũng đang có một đoàn người xếp thành hàng ba hàng năm, đội nắng thắng mưa hành quân về về phía Mường Mỗi.
Hành quân trong thời tiết nóng nực này rất nhanh mất sức, kể cả đã pha sẵn nước muối uống dọc đường nhưng đến đầu giờ trưa vẫn có chút không chịu được.
Đại quân cứ sáng sớm lên đường trước giờ trưa đã nghỉ, nửa giờ chiều lại lên đường đến tối mịt mới dừng chân.
Cứ như thế đến tận hôm nay mới đến Chiềng Bành (1).
Lê Niệm cưỡi ngựa đi giữa đoàn quân sai thân binh truyền lệnh cho quân Phủng Thánh nghỉ ngơi nửa ngày, dựng lều trướng ăn uống tại chỗ.
Sớm nhất chỉ còn hai ba ngày nữa binh lính sẽ lâm trận, không tên tướng lãnh ngu độn nào vắt kiệt sức quân trong tình huống như thế này cả.
Bố trí xong xuôi rồi hắn mới ruổi ngựa dọc theo bờ suối túc tắc hướng về phía quân trướng của Lê Ê mà đi.
Đại quân hết thảy gần ba vạn người cả lính lẫn phu hạ trại dài cả mấy chục dặm, may mà dọc đường từ Bản Hàn (Tà Niết) lên đến Yên Châu cứ men theo suối Sập mà đi nên cũng không lo thiếu nguồn nước.
Lê Niệm vừa vào trướng đã thấy bọn Lê Ê, Trịnh Tú v.v. gần chục lão đầu quây quần bên bản đồ.
Lê Bồi chỉ vào bản đồ nói.
- Người của ta ở Mường Thanh cho biết Cầm Sương đem người từ Mộc Châu chạy ra cũng không chạy ngay về Mường Mỗi (Thuận Châu) mà cho năm ngàn người ở lại dựng lũy đá trấn thủ Chiềng Đông (nay là xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) binh lực còn lại đều rút về Mai Sơn Châu (nay là huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Sương lại điều thêm hai ngàn người ở Mường Thanh xuống tăng viện, cộng với quân Mường Mỗi, Mường La (Sơn La) kéo xuống, hiện tại ở Mai Sơn Châu hết thảy không dưới một vạn năm ngàn người có thể cầm v·ũ k·hí.
Lê Ê vòng tay đăm chiêu nhìn vào chỗ Lê Bồi chỉ trên bản đồ, khẽ nói.
- Quân ta hiện tại đang ở Chiềng Bành, từ đây đến Mường Vạt (nay là thị trấn Yên Châu) còn độ ba mươi dặm, nơi đó hẳn là đã không còn bóng người nào trấn giữ, ta có thể trú quân ở đó nghỉ ngơi. Từ Mường Vạt đã có thể vượt Yên Sơn (nay là phía bắc xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) sau đó men theo dòng Nậm Pàn ngược lên Mai Sơn Châu được rồi. Tuy nhiên, muốn đảm bảo đường vận lương cho đại quân thì ắt phải diệt được năm ngàn quân Thái ở Chiềng Đông.
Lê Niệm nhích lại gần nhìn vào bản đồ chỉ thấy suối Sập chảy hết về phía bắc thì thông với sông Nậm Oắt (nay là suối Vạt) sông suối hợp lưu với nhau chảy ra sông Đà ở bản Sập (xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La).
Con sông này thông với sông Đà, lại vừa đủ lớn để thuyền chèo tay có thể ra vào tải lương.
Từ ngã ba sông đến lũy Mường Oát chưa tới bảy dặm đường chim bay, tính ra đâu đó mười lăm đến hai mươi dặm (6-8 km) đường thủy.
Nếu có thể xây dựng một cứ điểm ở đây dùng làm điểm tiếp tế cấp hai không có gì tốt hơn. Tuy nhiên, từ Chiềng Đông xuống dến Mường Vạt chưa tới ba mươi dặm đường bộ lẫn thủy, chưa dẹp được cứ điểm này mà vượt núi lên đánh Mai Sơn Châu thì hậu cần của đại quân lúc nào cũng có thể bị chặn c·hết.
Lê Quy vẻ mặt nghiêng túc nói.
- Thằng Cầm Sương này coi như có chút môn đạo, không vì suýt c·hết ở Mộc Châu mà thần hồn nát thần tính, trái lại vẫn điềm tĩnh bố trí vững vàng. Nếu ta bỏ qua cứ điểm này thì đường vận lương của ta không yên, ngược lại, nếu ta dành thời gian để dọn dẹp cái cứ điểm này thì hắn có thêm thời gian để bố trí Mai Sơn Châu. Bất kể quân ta xử lý như thế nào hắn đều có lợi.
Lê Ê quay sang hỏi Đinh Bảng.
- Đại pháo của quân Phủng Thánh có thể mở một cửa mở để quân ta tràn vào chứ?
Đinh Bảng tự tin vỗ ngực nói.
- Đại nhân an tâm, kể cả đại pháo không bắn sập được tường đá thì ta có thể cho người chôn bộc phá ở chân tường, hơn mười quả bộc phá p·hát n·ổ cùng lúc thì tường phải dày cả trượng mới có thể chống đỡ nổi.
Nghe được lời khẳng định chắc nịch của Đinh Bảng, Lê Ê cười sang sảng.
- Ha ha ha … nếu đã như thế thì không có gì phải ngại. Chỉ cần tạo được cửa mở vào trong Chiềng Đông thì quân Thiết Đột có sợ gì chúng.
Tất cả bọn tướng lãnh không hẹn mà cùng gật đầu.
Lam Sơn Thiết Đột, hãm trận vô địch.
Chỉ cần tạo được một cửa mở, không đội quân nào trong thiên hạ có thể ngăn cản nổi quân Thiết Đột.
Tất cả tướng lãnh đều tin tưởng sự thực nghiễm nhiên này, tựa như là một loại tín ngưỡng vậy.
Lê Ê ngồi thẳng lưng trên ghế xếp quát.
- Quân bây đâu, nghe lệnh!
- Có! (x12)
Chú thích:
(1) Tác dùng bản đồ cổ, chưa khảo cứu được vị trí cụ thể của Chiềng Bành ngày nay, hẳn là đâu đó ở khoảng phía bắc xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La)