Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗
Lê Dung
Unknown
Chương 95: Muộn Rồi!
Cầm Sương cũng chẳng để ý, đương nhiên nói.
- Chiến trận đánh bằng rất nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất là sĩ khí. Chưa lâm trận mà quân tâm lo sợ thì đã cầm chắc chín phần thua. Tất cả những gì có thể làm bây giờ là hết sức hạn chế nỗi sợ của sĩ tốt mà thôi.
Nói rồi vỗ nhẹ vào vai Cầm Sinh.
- A Sinh! Đi gọi bọn trưởng bản, khun mường, phù nạm đến đây, anh có chuyện căn dặn bọn chúng.
Cầm Sinh cũng không nhiều thời gian cảm khái, gật đầu nhanh chân đi gọi người.
Cầm Sương cũng không định mang toàn bộ trai tráng xuống Mường Moun, b·ị đ·ánh một lần khôn hơn một chút.
Một lần ở Mường Sang là quá đủ, hắn sẽ không để người Kinh vòng ra sau lưng hai mặt giáp công mình một lần nữa.
Số người còn lại phải chia ra trấn thủ các nơi, không đủ chặn đánh người Kinh nhưng ít nhất hắn cũng phải có thông tin đối phương đang làm gì đặng còn kịp thời phản ứng.
Đám đầu mục bước vào nhà sàn, cùng hướng Cầm Sương chắp tay hành lễ. Một trung niên nét mặt nghi hoặc đặt câu hỏi.
- Chẩu Mường gọi chúng ta có gì phân phó?
Người vừa hỏi là Mứn Pú (họ Bạc, chưa tra được tên) chúa Mường Mổi - một đồng minh quan trọng của họ Cầm.
Cầm Sương ngẩng đầu lên khỏi sa bàn, cười giải thích.
- Mọi người ngồi hết xuống đi, ngày mai tao sẽ đem quân xuống Mường Moun đương cự với người Kinh. Chuyện ở đây giao hết cho a Pú vậy.
Mứn Pú nghe thấy thế vội đứng dậy đập tay vào ngực nghiêm mặt nói.
- Chẩu Mường an tâm, thằng Pú này còn sống thì không một tên người Kinh nào đặt chân được vào đất Mường Mụa.
Cầm Sương cười nói.
- Không cần như thế, người Kinh giảo hoạt, ta chỉ sợ chúng đem quân đến chặn đường lui của quân ta. A Pú chỉ cần lấy Mường Mụa làm trung tâm, liên hiệp các bản các mường chung quanh dựng yên đài (tháp báo hiệu bằng khói) mà báo hiệu cho nhau. Khi nào người Kinh đến đánh cứ đốt khói đặc lên báo cho ta biết đường kéo quân chạy về trước khi chúng khép chặt vòng vây là được.
Bàn giao công việc phòng thủ thêm một chốc nữa, Mứn Pú cùng bọn trưởng bản, Khun mường cùng lui ra.
Tên nào tên nấy đều tất tả trở về bản làng của mình đốc xúc người dưới tay gấp rút dựng lên mấy chục tòa yên đài.
Sáng hôm sau, Cầm Sương điểm quân các mường, hết thảy được gần sáu ngàn nhân mã, cộng với hơn bốn ngàn người Cầm Thịnh đã đem xuống mường Moun từ trước, ở đây đã có hết thảy hơn một vạn người.
Kết hợp với gần ba ngàn người của Cầm Thanh tương hỗ lẫn nhau, trong tay Cầm Sương đã có tới hơn một vạn bốn ngàn tinh tráng.
Đây đã là hai phần ba toàn bộ lực lượng của hắn, không dám nói có thể cả phá người Kinh, câu giờ một khoảng thời gian hẳn là không khó khăn lắm.
…
Đại doanh quân triều đình dọc theo sông Nậm Oắt kéo dài tới vài mươi dặm, hành dinh đóng ở bản Bon (nay là xã Chiềng Sàng/ h. Yên Châu/ Sơn La).
Bản này vốn có mấy chục gia đình, bây giờ đều đã chạy loạn đi đâu mất, Lê Ê bèn cho người trưng dụng mấy chục nóc nhà ở đây luôn.
Lão cùng bọn thuộc cấp đang tập trung vào tấm bản đồ khổ to trên bàn thì có thám báo từ bên ngoài chạy vào quỳ một chân cấp báo.
- Báo … Ở phía dãy đồi bên tả đại doanh tiền quân xuất hiện quân phản loạn, số lượng không dưới hai ngàn người.
Lê Ê nghe thấy vậy cũng không nóng nảy, liệng chiếc gậy gỗ cho tên thám báo, đoạn lão chỉ tay vào địa đồ nói.
- Ở nơi nào, chỉ cho ta xem.
Tên thám báo nhận lấy gậy gỗ, nhìn vào bản đồ, gãi đầu không chắc chắn lắm chỉ vào hai quả đồi phía tây đại doanh.
- Hồi tướng quân ở hai quả đồi này ạ.
Lê Ê lại hỏi.
- Bố trí binh lực như thế nào?
Tên thám báo chỉ vào quả đồi lệch về phía nam trả lời.
- Khoảng hai phần ba lực lượng của đối phương ở đây, phần còn lại tản mạn ở quả đồi còn lại.
Lê Quy chống tay xuống mặt bàn, vẻ mặt nghiêm nghị nói.
- Là bản Tía (phía nam Cò Nòi/ h.Mai Sơn/ Sơn La) từ bản này có một con đường có thể đưa quân xuống tiếp viện Chiềng Đông. Hai ngàn quân ở đây, nhìn về phía nam độ mười lăm dặm còn có hai ngàn quân ở bản Hi Nậm (bản Bó Phương/ Yên Sơn/ h.Yên Châu/ Sơn La) đã là bốn ngàn quân, đủ để tạo thành thế ỷ giác yểm trợ cho Chiềng Đông.
Lê Ê phất tay cho tên thám báo lui ra, lúc này mới nghiêm giọng nói.
- Tường đá bản Hi Nậm ta đã đích thân đi xem xét, tường ngự trên đỉnh đồi, thân tường cao tám thước (3,2 m) dày tới cả nửa trượng (2m) chân tường đào hào sâu cắm chông. Có thể nói là chuẩn bị kỹ lưỡng, thằng Cầm Sương này e là muốn ở đây dây dưa với chúng ta ngày này qua tháng nọ.
Lão biết thông tin triều đình Đông Kinh túng thiếu, lương cấp cho đại quân không đủ bốn tháng sớm muộn gì cũng sẽ đến tai bọn loạn phỉ.
Chỉ là không ngờ lão vừa lên đến nơi đã thấy bọn chúng chuẩn bị trận thế sẵn sàng kéo dài thời gian như thế này.
Muốn bài bố cẩn thận như thế này nói ít cũng cần hơn tháng trù bị. Nghĩa là lão vừa nhận lệnh xuất chinh không bao lâu thì Cầm Sương đã bắt tay vào đắp lũy.
Nghĩ đến đây Lê Ê nhếch mép cười nhạt.
- Bọn chúng không gì hơn là muốn dựa vào tường vững hào chông cầm cự cho đến khi quân ta hết lương buộc phải rút lui.
Lê Quy cười nói.
- Thông thường thì biện pháp của hắn không phải là thiện lắm sao? Nhà Trần năm xưa đương cự với người Mông - Nguyên không phải cũng làm như thế! Đưa quân trấn giữ nơi hiểm yếu câu giờ, khi bắt đầu hiển hiện thế thua thì rút quân giữ lấy người. Sau khi giặc đi qua thì dùng thuyền đổ quân ra sau lưng chúng q·uấy r·ối. Khiến cho kẻ địch không có cơ hội đánh một trận quyết chiến kết thúc c·hiến t·ranh. Chờ đến khi người Nguyên cạn lương mỏi mệt trên đường rút quân thì tung toàn lực ra đánh mà phá được giặc.
Lê Ê cười rất đểu cáng.
- Hà hà … không ngờ hôm nay mấy lão già chúng ta lại được bọn giặc cỏ này chiêu đãi món gối giấu kim năm xưa họ Trần thiết đãi cái Đế quốc kia. Tiếc cho chúng rằng miền rừng núi Hưng Hóa này không phải Kinh Lộ bốn bề sông nước. Vậy nên chúng chỉ có thể biến tấu đi đôi chút, dựa theo địa hình hiểm yếu mà đào hào đắp lũy, kiến tạo nhiều lớp phòng thủ nối tiếp nhau. Khi quân ta cường công cả phá tuyến thứ nhất thì rút lui về tuyến hai, cứ như vậy tiêu hao thời gian, sĩ khí của ta chứ không cùng ta đánh một trận quyết chiến. Cũng coi là có sáng ý. Thế nhưng …
Lê Ê lúc này tắt hẳn nụ cười, nghiêm trang gọi.
Lê Thọ Vực!
- Có!
- Cầm hai ngàn người của mi theo các quân Ưng Dương, Phủng Thánh đánh gấp Chiềng Đông, ta muốn trong vòng năm ngày có được nơi đó.
- Rõ!
Lê Thọ Vực chắp tay nhận lệnh.
- Lê Quy, Lê Dịch!
- Có! (x2)
- Mỗi người lĩnh hai ngàn thổ binh dựng rào đề phòng quân giặc từ trên đồi đánh xuống.
- Rõ! (x2)
…
- Bọn người Kinh chơi trò gì thế này?
Cầm Sinh bực dọc lớn tiếng nói với Cầm Sương, Cầm Thịnh cùng Mứn Lạn (em trai Mứn Pú, họ Bạc, chưa khảo cứu được tên) đang ngồi ở đàng xa.
Nguyên bản bọn hắn cho là người Kinh sẽ nhất nhất theo phong cách các đời trước, từ Lê Thái Tổ đến Lê Thái Tông lên đánh Hưng Hóa đều là gió rung chớp giật.
Thần cơ thương pháo khai mào, tường khiên phía trước đẩy tới, câu liêm, thủ tiễn phía sau theo hầu bốn phía cùng đánh.
Bọn hắn vốn là chuẩn bị mượn thế ở trên cao, dựng tường đắp lũy đem cả hai khu dân cư phía tây và phía đông bắc của Chiềng Đông dựng thành thành bảo.
Tường đá đắp cao tới tám thước (3,2 m) lại dựa vào sườn dốc, phía trước đào hào sâu năm thước cắm chông tre.
Vũ khí mới của người Kinh dù có sức mạnh phá giáp liệt thạch cũng không thể phát huy hết tác dụng.
Hiềm một nỗi người Kinh đã đến trước lũy Chiềng Đông hai ngày rồi vẫn chưa vội t·ấn c·ông.
Trái lại, người Kinh lại dùng hai ngày để dựng một hàng rào gỗ cao tới hơn sáu thước (2,4 m) hàng rào này cách Chiềng Đông ba dặm về phía nam.
Hàng rào nhìn về phía Mường Moun, hẳn là để đề phòng quân Thái từ trên cao xuống tiếp viện.
Đại bản doanh ở bản Bon cũng cho dựng một hàng rào tương tự, từ dưới thấp mà đề phòng bản Hy Nậm trên cao.
Bọn hắn mấy lần cho người xuống quấy phá thì gặp quân thủ lũy tất cả đều là thổ binh người Thái, Mường dùng cung săn bắn tên xua đuổi.
Dựng rào xong đến sáng nay chúng mới bắt đầu công lũy, mà cũng là đánh theo kiểu mèo vờn chuột.
Đúng là chúng có sử dụng một loại hỏa khí mới, lớn hơn đặt trên khung gầm hai bánh của xe ngự. Thế nhưng Cầm Sinh nhìn đi nhìn lại thế nào cũng cảm thấy ra bọn c·h·ó người xuôi này chưa đánh hết sức.
Cầm Sương ngồi xổm trên ghề đá, trải bản đồ ra nhìn chăm chú, càng nhìn lông mày càng nhíu lại.
- A Sinh.
Đoạn hắn ngẩng đầu lên, vẫy tay gọi Cầm Sinh lại gần. Cầm sinh nghi ngờ thôi không quan sát đám người Kinh hèn nhát nữa, lật đật chạy lại ra hiệu lắng nghe.
- Anh Sương?
- Mày sai người đưa thư cho a Thanh, bảo nó sẵn sàng cho người rút lui bất cứ lúc nào. Anh cứ có cảm giác không lành.
Phụ nữ trẻ em trong Chiềng Đông đều đã di tản từ trước, giờ này ở đó chỉ còn trai tráng có thể cầm v·ũ k·hí. Nếu có lệnh rút chỉ cần trên dưới hai canh giờ là có thể gọn gàng chuồn êm.
Cầm Sinh không lắm mồm gì, nghe lời Cầm Sương liền chạy về phía Mường Moun viết thư gửi gấp.
Mứn Lạn nãy giờ chỉ ngồi im không nói đột nhiên hỏi.
- A Sinh, kẻ địch một mũi tên còn chưa bắn, chúng ta rút lui như thế này có phải làm lợi cho chúng nó quá không?
Cầm Sinh hơi có chút lo lắng nói.
- A Lạn không thấy lạ sao? Bố trí của bọn hắn ở đây cùng bản Hi Nậm đều chứng tỏ chúng chỉ một lòng cầu ổn. Thử nghĩ xem, chúng mới là phe đang bị thời gian đuổi gấp, giờ lại tự nhiên chuyển qua ung dung không vội. Thái độ như vậy có nghĩa là gì? Loại bỏ hết những khả năng khác đi, đáp án duy nhất còn lại còn lại dù vô lý đến mức nào cũng có ít nhất chín phần là đúng.
Cầm Thịnh ngẫm nghĩ một lát, đoạn lẩm bẩm.
- Chúng có cách mười phần nhanh chóng công phá Chiềng Đông?
Cầm Sương thở dài.
- E là như vậy! Bây giờ không nhanh chóng để a Thanh rút lui chỉ sợ hắn cùng ba ngàn anh em c·hết không chỗ chôn.
[Đùng … Đùng …Đùng …] Đúng lúc này, từ hướng Chiềng Đông vang lên hàng loạt tiếng vang như sấm dậy.
Cầm Thịnh cùng Mứn Lạn cùng đứng bật dậy nheo mắt nhìn về phía Chiềng Đông, đoạn sai thân tín đi tìm hiểu xem có chuyện gì.
Duy chỉ có Cầm Sương vẫn ngồi lặng lẽ trên ghề đá, lúc lâu sau mới rên rỉ.
- Muộn rồi!