Logo
Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗

Chương 35: Bên Đường Cái Quan

Chương 35: Bên Đường Cái Quan


***

Tôi lóc cóc đạp chiếc mini màu xanh ngọc bích qua cầu Đình và cảm nhận rõ không khí Tết đã cận kề khi mà hàng quán ở đầu làng vốn quen thuộc với tôi, hàng ngày vắng vẻ thì lúc này lại rất đông người ngồi túm tụm bên những chén nước chè nóng cùng khói thuốc lào mù mịt. Sau một năm bôn ba khắp chốn thì Tết là dịp mà những người họ hàng, bà con lối xóm có dịp ngồi hỏi thăm nhau. Nhìn qua nhìn lại chỉ thấy đàn ông và trẻ nhỏ, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của người phụ nữ nào.

Phụ nữ làng Bưởi Cuốc nhìn chung tháo vát, nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó. Trước khi lập gia đình, con gái trong làng thường đỡ đần bố mẹ hoặc ông bà công việc đồng áng hoặc nếu bố mẹ thoát ly mở một lò đậu phụ thì họ cũng sẽ đi cùng. Con gái làng Bưởi Cuốc ở độ tuổi từ mười lăm đến mười tám thường ngồi bán hàng ở ngoài chợ từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về nhà. Cô nào mà ngoài hai mươi chưa lấy chồng đồng nghĩa với gia đình sẽ bật báo động đỏ. Tết cũng là dịp mà các ông các bà hoặc đấng sinh thành của các chàng trai, cô gái về làng kén dâu kén rể. Đối với những người phụ nữ sinh ra ở làng Bưởi Cuốc thế hệ 7x trở về trước thì yêu đương là một điều gì đó tương đối xa xỉ. Bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy cũng là điều không lạ trong xã hội Việt Nam trong những năm cuối của thế kỷ 20. Theo quy trình, phụ nữ làng Bưởi Cuốc khi đã lớn tuổi, nếu vẫn còn làm đậu thì họ sẽ lo việc bán còn phần làm nhường lại cho con trai. Làng tôi quan niệm rằng nhà nào nhiều con trai là nhà đó sau này sẽ khá giả. Nhìn qua nhìn lại, tôi chẳng thấy phụ nữ trong làng hạnh phúc vào lúc nào khi mà từ sớm đến tối họ chỉ làm và làm. Câu chuyện của họ bên mâm cơm gia đình cũng chỉ xoay quanh việc ế hàng hay đắt hàng hoặc một số câu chuyện vụn vặt về một người khách hàng đặc biệt nào đó nhưng rất ít, tôi nghĩ như thế. Tóm lại, tôi đánh giá phụ nữ làng tôi thuộc tuýp cam chịu, phần nhiều có đời sống tinh thần không được thoải mái mặc dù kinh tế mỗi ngày một khá lên.

Tôi chưa bao giờ có ý định sẽ yêu một đứa con gái trong làng chứ nói gì đến việc lấy gái làng làm vợ. Tôi không chê con gái làng tôi mà ngược lại, tôi đánh giá rất cao con gái trong làng nhưng mục tiêu của tôi là học để sau này không phải làm đậu. Làm đậu thì có tiền nhưng phải thức khuya dậy sớm, mỗi khi làm việc nhiều, mệt mỏi người ta dễ sinh ra cáu kỉnh với nhau vậy nên chuyện các cặp vợ chồng đánh cãi chửi nhau là chuyện cơm bữa. Tôi sẽ không lấy làm lạ khi nhìn thấy một cô ngồi bán đậu trong chợ với một bên mắt thâm đen hoặc gò má sưng vù. Nếu tôi theo đuổi việc học, sau này mộng làm nhà văn, phóng viên hoặc luật sư… thì lập gia đình với một đứa con gái trong làng chăm chỉ làm đậu và sống cam chịu e là không hợp lý.

Chương 35: Bên Đường Cái Quan