Click quảng cáo, Mở shopee popup gia tăng khí vận 🤗
Sấm Động Trời Nam
Unknown
Chương 89: Kẻ võ cũng cần tiền
Hắn trỏ tay về phía một khối đá to bổ chảng, vốn là một cột đá bị gãy. Chiếc cột khá vuông vắn, cao vượt đầu người, dựng chỏng chơ nơi bờ nước. Phúc hỏi lại:
- Nhấc nó ư?
Chàng cho rằng đối phương có nhầm lẫn, bởi cột đá gãy nặng có đến hai ba trăm cân, người thường khó mà nhấc nổi. Cao Điện tặc lưỡi:
- Sao hả? Chỉ cần nhấc được nó, mày sẽ lập tức được nhận.
Hắn tuyên bố chắc nịch, khẳng định không có chuyện nhầm lẫn. Đến lúc này, Phúc mới hiểu ra. Hắn chẳng phải đang kiểm tra sức lực của chàng, chỉ là mượn cớ chơi đùa, xong rồi sẽ đuổi. Dẫu vậy, chàng vẫn chấp nhận thử thách.
Đôi bàn tay vòng qua, ôm lấy cột đá. Cột đá gãy ngâm nửa mình trong nước, phần dưới rều bám trơn tuỗn, Phúc phải cố hết sức mới ôm chắc được. Hai chân đứng ngập trong sình cát, sâu đến ngang gối. Chàng hít một hơi căng ngực, mắm môi, vừa gồng mình vừa ngầm điều động khí lực. Cao Điện vẫn ngồi vắt chân trên sạp, thản nhiên ngó nghiêng xung quanh. Hắn chẳng thèm quan tâm xem liệu Phúc có nhấc nổi hay không, để rồi khi ngoảnh lại phải kinh động thốt lên:
- Mẹ cha, cái gì vậy?
Trước mặt gã là cảnh tượng phi phàm. Phúc nhấc bổng cột đá trên hai tay, đẩy vượt hẳn qua đầu, thoải mái tựa như người ta nhấc một con lợn vậy.
- Sao… sao… có thể được chứ?
Cái miệng hắn lắp bắp, nói mãi không được câu. Phúc liền vung tay ném. Cột đá bay cái vèo xa hơn mười thước, rớt đến “uỳnh” ngay trước mắt. Cao Điện mặt mũi tái xanh. Xém chút nữa, hắn đã bị cột đá đè bẹp rồi. Phúc nghênh ngang tiến tới, đứng chống nạnh, hất hàm thách thức. Cao Điện lúc này mới vừa hoàn hồn, lắp bắp:
- Được, được. – rồi đột nhiên như vỡ òa, vỗ đùi cười hềnh hệch, hồ hởi nói - Thằng ăn mày, mày chính thức được nhận. Như mọi người, ba đồng một ngày, có cơm trưa. Hết năm ngày thanh toán tiền công một lượt.
Hắn quay qua tên phụ tá bên cạnh, phân phó:
- Mày sẽ phụ trách nó. Nay có chuyến hàng muối đấy. Nó mới, nhớ cắt nhiều nhiều việc một chút. Chớ để nó chểnh mảng rồi quen
thành thói.
Tên phụ tá nhận lệnh. Cao Điện lại dặn dò thêm:
- Anh em nhà Quân thọt dạo này ốm quá, làm không có cập. Cho chúng nó nghỉ đi. Lúc nào cần lại gọi.
Bến nước được phân thành bãi thượng và bãi hạ. Trong đó, bãi thượng chuyên để bốc dỡ các mặt hàng nhẹ như chiếu, võng, vải vóc … còn bãi hạ chuyên về các mặt hàng nặng, cồng kềnh như thóc gạo, muối, gỗ đá. Phúc được tên phụ tá dẫn đến bãi hạ. Bãi này vốn thường do bốn phu đảm trách, nay có Phúc vào, thành ra ba tên được cho nghỉ.
Mặt trời đứng bóng, ba thuyền nối đuôi nhau cập bãi hạ, hàng hóa trên thuyền đều là muối cả. Muối được đóng đầy trong những chiếc sọt lớn, nặng có đến bẩy tám mươi cân. Thường ngày, để vận chuyển được những sọt muối, người ta phải quấn đai, rồi luồn đòn xuyên qua, hai phu sẽ kê đòn vào vai mà gánh. Phúc thì không làm vậy, cứ việc quai thẳng sọt muối lên vai, dùng sức một mình. Không phải chàng thích thể hiện, chỉ là cũng đã thử kiểu cũ, nhưng sức lực hai người chênh lệch quá, nếu cùng làm chỉ tổ dẫm chân nhau. Gã phu kia được dịp thảnh thơi, nhiệm vụ duy nhất là hỗ trợ quai hàng, thành ra cũng để kệ. Từ thuyền lên đến bãi tập kết xa hơn trăm bước, nhưng đôi chân của chàng đã luyện cước pháp, thành ra vô cùng dẻo dai, đi lại cứ phăm phăm.
Việc làm được hơn một canh giờ thì xong, Phúc cùng gã phu lên bờ nghỉ ngơi. Vừa uống được ngụm nước thì từ sau có tiếng quát tháo:
- Làm cái gì mà đã nước non rồi. Chúng mày muốn c·hết à.
Phúc ngoái lại, thấy tên phụ tá của Cao Điện đang bước tới. Tướng tá hắn cao lớn, thô lậu. Tên phụ tá vừa đến thì lại sồn sồn mắng tiếp:
- Chưa làm đã muốn nghỉ rồi. Chúng mày có muốn tiếp tục nữa không, hay là cho đuổi tống hết cả lũ. Hôm nay ba thuyền đấy, chẳng dấn lên lại trưa trật trưa lòi không xong?
Gã phu bên cạnh Phúc vênh mặt lên, cao giọng đáp:
- Cứ ồn hết cả lên. Không biết nhìn à, xong hết rồi, làm gì còn hàng mà bốc.
Ba tiếng “xong hết rồi” khiến tên phụ tá kinh ngạc, không tin vào tai của mình. Vốn thường với bốn phu cũng cần một canh giờ rưỡi mới xong được. Đằng này lại chỉ có hai người làm. Hắn liếc mắt nhìn ba thuyền, rồi lại đảo lên nhìn bãi tập kết. Quả nhiên tất cả số muối trên thuyền đều đã được bốc dỡ, xếp đặt ngay ngắn hết lên bãi. Hắn lại nhìn chằm chặp về phía Phúc. Dù đã chứng kiến việc chàng nhấc bổng cột đá gãy, hắn vẫn không cho rằng công việc lại có thể kết thúc nhanh như vậy. Sau thoáng chốc ngỡ ngàng, hắn nhanh chóng lấy lại vẻ hách dịch, lớn tiếng nói:
- Việc xong rồi đấy, nhưng không có nghĩa là ngồi chơi không như thế này. Công cán nhận cả ngày, chứ không phải chỉ có ba thuyền này. Chuẩn bị đi, sắp có thuyền vào tiếp đấy.
Gã phu liền đáp to dõng dạc:
- Nhất trí thôi.
Rồi đợi tên phụ tá quay mặt bỏ đi mới ghé sang Phúc nói nhỏ, như thì thầm:
- Còn lâu, có phải tới chiều mới có thuyền tiếp. Cứ nghỉ ngơi đi.
Gã làm ở đây đã lâu, nên lắm rõ mật độ vào ra của các thuyền hàng. Phúc vừa uống chén nước, vừa đáp cái “ừm”. Gã phu lại nhìn chàng, hỏi:
- Đằng ấy ở đâu, trông lạ lắm, chắc không phải người nơi này chứ.
Gã ta tuổi cũng có gần bốn mươi, vậy mà vẫn gọi Phúc là đằng ấy, cách xưng hô nghe thật suồng sã. Phúc gật đầu xác nhận. Gã lại hỏi tiếp:
- Đằng ấy trai tráng, khỏe mạnh như thế, sao không kiếm việc gì nhiều tiền hơn mà làm. Ở cái bến nước này rẻ mạt lắm, và hết bát cơm là hết tiền rồi.
Phúc nhìn gã ta, hỏi lại:
- Việc nhiều tiền hơn là việc gì?
Gã phu đáp:
- Thiếu gì, trên phố ấy. Vệ sĩ, phụ tá, bán hàng, kể cả là đi ở đợ cho mấy bà góa không chồng, việc gì trên ấy cũng kiếm hơn ở đây.
Lời nói nửa thật nửa bỡn cợt. Phúc không biết thật giả, chỉ ngồi im nghe gã nói:
- Nếu đằng ấy mà xin được vào nhà Phú Kiệm, thì còn không phải lo nơi ăn chốn ở nữa.
Nhắc đến hai từ Phú Kiệm, giọng gã phu có phần nhấn mạnh. Phúc lại hỏi:
- Phú Kiệm là ai vậy?
Gã phu đáp:
- Đó là nhà giàu có nhất vùng này. Nhà đấy quản lý tất cả mọi hoạt động của phường Chiếu. Mọi hàng quán ở phường Chiếu muốn được hoạt động, đều phải cậy nhờ đến. Tất nhiên, sẽ phải đóng tiền.
Phúc nghe đến việc đóng tiền thì liền liên tưởng đến phường cường hào ác bá, tham quan trên miền biên viễn, hay lũ giặc Khăn Đen ở vùng Hà Bắc.
- Vậy là ăn c·ướp, t·rấn l·ột còn gì?
Gã phu nghe chàng thốt ra như vậy thì có phần thất kinh, nói:
- Khẽ thôi chứ, muốn khỏi phải làm nữa à. Đằng ấy có biết bến nước này cũng là của nhà Phú Kiệm không. Cao Điện chỉ là được giao cho quản lý thôi. Thực ra không thể nói là ăn c·ướp hay t·rấn l·ột được. Nhà đấy từ mấy đời trước đến đây mở đất lập phường, làm nơi kinh doanh buôn bán cho dân các lộ Kiến Xương, Long Hưng. Buôn có bạn, bán có phường. Muốn vào phường hội, phải đóng “siu” là chuyện đương nhiên rồi. Thôi, không nhắc đến chuyện đấy nữa. Đằng ấy có muốn đến đấy kiếm việc thì kiếm, tớ là tớ già rồi, không đi đâu được cả.
Phúc nghe vậy thì cũng thôi không nhắc đến nữa. Chàng cũng kể cho gã phu biết mục đích của việc xin làm công là vì muốn kiếm ít tiền mua rượu. Kiếm đủ tiền chàng sẽ đi. Gã phu nghe vậy thì thở phào một cái, nét mặt tươi vui hơn hẳn:
- Thế thì tốt. Lại tưởng đằng ấy làm dài ở đây thì c·hết bọn tớ.
Phúc không hiểu:
- Sao vậy?
Gã phu liền giải thích:
- Thì nếu đằng ấy làm ở đây, biết không chừng đám Cao Điện lại cho tớ nghỉ. Đằng ấy khỏe như vậy, chúng nó còn cần gì hội già này nữa. Đấy, sáng nay nhận đằng ấy vào, chúng nó đã cho nghỉ đám anh em nhà Quân thọt luôn rồi. May sao tớ vẫn còn được giữ lại, không lại chẳng biết đi đâu kiếm cơm nữa.
Phúc nghe gã giải thích như vậy thì liền hiểu. Hóa ra việc chàng vào làm đã lấy mất chỗ của những người khác. Chẳng trách tại sao lúc mới gặp chàng, thái độ của gã phu lại khó chịu đến vậy. Dù sao chàng cũng chỉ định làm có mấy ngày, kiếm đủ tiền mua rượu là rời đi. Gã phu lại hỏi:
- Thế đám Cao Điện trả ngày bao nhiêu?
Phúc thật thà giơ ba ngón tay thay cho lời đáp. Gã phu chẹp miệng, xuýt xoa:
- Mẹ kiếp, lũ ăn dày. Đằng ấy sao lại dại thế chứ. Chúng nó trả đằng ấy ba đồng, là cũng chỉ như chúng tớ. Trong khi đằng ấy làm
thay cho ba người, đáng phải được chín đồng mới phải. Tính ra mỗi ngày chúng nó lời không sáu đồng. Ăn dày thật.
Phúc nhớ lại bản mặt cười như được mùa của gã Cao Điện, biết mình bị hớ, đành tặc lưỡi nói:
- Biết sao được, đã thống nhất với người ta rồi.
Chàng ngước lên, nhìn vào trong phố, bất chợt bắt gặp một dáng hình quen thuộc. Là thằng nhóc đầu trọc lóc, vừa tối qua trôm chỉa đống thức ăn, khiến chàng phải chịu đói đến giờ. Không biết nó đang làm gì, nhưng thấy bị mấy hàng quán xua đuổi. Chàng bèn vẫy gã phu hỏi thì được kể lại. Thằng nhóc mồ côi, cha mẹ mất cả, mấy anh em phải ở với ông. Nhưng ngặt nỗi người ông hơn năm nay bệnh tật, chẳng làm được gì cả. Thế là nó phải một mình lo miếng ăn cho bốn anh em và người ông già yếu. Ngày nào thằng nhóc cũng lên phố xin làm, nhưng chẳng mấy nơi nhận. Họa hoằm có chỗ nhận thì ngày công cũng rẻ mạt vô cùng, chẳng đủ lo cái ăn. Vừa kể xong, gã phu vừa lắc đầu, chẹp miệng:
- Rõ khổ. Rồi chẳng biết số phận mấy ông cháu đi về đâu.
Nghe lão than thở, lòng Phúc cũng rầu rầu thương cảm.