Nói về Mộc Lộc địa tiên còn chưa kịp định thần đã bị bửu kiếm của Lý Ông Trọng trảm rơi đầu, hồn vật vờ chẳng tan. Giây lát Hắc Bạch Vô Thường hiện lên muốn câu về Địa Phủ. Mộc Lộc thấy thế thì hoảng sợ, nói:
- Hai vị muốn đưa tôi về cõi âm chăng?
Hắc Vô Thường nói:
- Số mệnh của ngài đã hết, chúng tôi vâng mệnh Bắc Đẩu thượng tiên tới đây, câu hồn ngài về địa phủ.
Mộc Lộc nói:
- Nếu số mệnh đã thế tôi đây nào dám làm trái. Nhưng nếu chết mà không biết dưới tay ai, khó trách lòng chứa oán khí. Xin hai vị cho tôi biết là vị tiên thần nào ra tay?
Mộc Lộc địa tiên khác với các yêu tu, trên thân lây nhiễm khí tức Phụng Hoàng; nên chết dưới bửu kiếm vẫn lưu giữ được hồn. Nếu mà để oán khí xâm nhiễm khó trách gây hoạ nhân gian. Hắc Bạch Vô Thường tuy là tiên thần nhưng đạo hạnh đọ không lại, đành nhìn nhau rồi nói:
- Là Thánh Chèm Lý Ông Trọng.
Mộc Lộc nghe xong thì kinh hãi không biết để đâu cho hết, vội hỏi:
- Tiểu tiên có tội tình gì đâu mà khiến Thánh Nhân xuống tràng?
Hắc Vô Thường đáp:
- Cái đấy chúng tôi nào biết được. Hai người chúng tôi cũng chỉ vâng mệnh mà làm.
Mộc Lộc nói:
- Tôi bây giờ đi với các vị cũng chẳng sao. Ngặt nỗi trong lòng có điều uất ức. Tôi muốn về núi Bạch Hạc báo cho người nhà một phen, âu cũng là trọn nghĩa. Mong hai vị chiếu cố cho.
Hắc Vô Thường nói:
- Cũng được, nhưng ngài chỉ có ba ngày. Xin phải nhớ thời gian cho.
Nói rồi cả hai biến đi mất.
Hồn Mộc Lộc dật dờ bay về núi Bạch Hạc, gần nước Mi Hầu xưa, vào đến động Xương Cuồng gặp Chiên Đàn thụ yêu, khóc lóc kêu rằng:
- Đệ ôi! Tôi tu đạo ba ngàn năm, chẳng gieo thù chuốc oán lấy một ai, hôm nay dạo trên vầng mây cho khuây khoả. Nào ngờ bị tiên thần phương nam một kiếm trảm toi mạng mà không biết lý do chi. Cầu xin em mở lòng giúp tôi trả thù, tôi ở dưới cửu tuyền cũng cảm đội ơn sâu.
Nói rồi hồn theo gió bay mất, tới tận Phong Châu thì hóa thành một hạt giống chui vào đất. Hạt giống ấy vốn mang khí tức của Phụng Hoàng, Mộc Lộc chết rồi nên nó không theo nữa. Rơi xuống đất nở thành cây khế thật to. Sau này có hộ dân tới đây xây nhà làm vườn, thấy cây khế to xum xuê thì giữ lại. Đến đời con cháu, có con Phụng Hoàng hạ xuống ăn trái. Câu chuyện “Ăn Khế trả Vàng.” Cũng từ đấy mà ra.
Nhắc về Chiên Đàn thụ yêu, đạo hành có sáu ngàn năm. Là cùng nguồn gốc với Mộc Tinh thời Xích Quỷ. Gã nghe hồn Mộc Lộc tỏ tường như thế thì thất kinh, hét lên rằng:
- Bọn chúng thật khinh khi chúng ta quá!
Nói rồi lần tay bấm quẻ xem cớ sự ra sao, lát sau hiểu rõ ngọn ngành, đập bàn giận dữ, gọi một tên đệ tử tên là Nguyên Bảo vào rồi dặn rằng:
- Mi vào động lấy pháp bảo ra đây, ta hạ sơn một chuyến báo cừu cho huynh trưởng.
Nguyên Bảo vốn là con chồn thành tinh, sống trên thân cây Chiên Đàn nên được y nhận làm đệ tử. Báo nghe sư tôn muốn hạ sơn bèn hỏi xem sự gì. Chiên Đàn kể rõ đầu đuôi mọi chuyện.
Nguyên Bảo hỏi:
- Nghe sư phụ kể thì gã Lý Thông đó tài phép ghê gớm lắm.
Chiên Đàn hừ nhẹ rồi nói:
- Lý Thông kiếp trước là con Thạch Sùng, vì tu được tiên đạo nên khinh thường trời đất. Nó ỷ vào phép che mắt tiên linh, lên trời trộm đi thiên thơ. Nhưng chẳng may bị một vị tiên thần bắt được, vị tiên thần ấy niệm tình nó tu hành không dễ nên thả đi. Nào ngờ Ngọc Hoàng Thượng Đế vì thế mà nổi giận, giáng vị tiên kia xuống phàm trần. Phải trải đủ tam tai, hai kiếp mới được quay về trời. Lý Thông hối mình khiến ân nhân chịu phạt, cũng phá kiếp trùng tu, hạ giới phò trợ.
Nguyên Bảo nói:
- Nếu thế thì mình đắc tội nó sao nổi.
Chiên Đàn cả giận, tát Nguyên Bảo một phát, quát rằng:
- Mi là đồ đệ của ta, mà dám nói như vậy ư? Tên Lý Thông kia ỷ vào đọc được thiên thơ nên có tài bói toán thông thần. Nay nó chuyển dời thiên kiếp sang người nên bị nghiệp khí quấn đỉnh. Thần thông phép báu mất hết thì có chi mà sợ. Nay ta hạ sơn bày cái trận nhỏ, thâu mạng nó một phen cho quân binh Đinh Bộ Lĩnh sợ vỡ mật. Mi mà còn dám nói như vậy nữa thì ta đánh thành nguyên hình, kiếp này vô duyên với tiên đạo.
Nguyên Bảo sợ quá, nó là chồn tinh nên nhát tính. Vội vào trong động thu thập pháp bảo rồi hai thầy trò cùng nhau hạ sơn.
…
Nói về Thạch Sanh, Lê Hoàn cùng chư tướng thu thập tàn cuộc. Chở xác ba con yêu quay về dinh. Khi đến nơi thì cho quân vào báo.
Lý Thông dẫn bách tướng ra đón tiếp nồng hậu, rồi mở tiệc khao thưởng ba quân. Trong bữa tiệc, Lê Hoàn, Cự Lạng, Phạm Hạp, Thạch Sanh kể rõ chuyện bày trận trấn yêu. Chư quân xung quanh nghe xong thì hăm hở, hận mình không có tại trận quan chiến cho thoả sức. Lê Hoàn lại nói công lao đều do Lý Thông mà ra, nếu không có trận ấy, mọi người ở đây không ai trấn được yêu pháp cả.
Thế là chư tướng lại nâng chén, mời qua Lý Thông một lượt. Rượu ngà ngà say, Thạch Sanh mới đem chuyện bửu kiếm kia ra hỏi.
Lý Thông cười rồi lấy bên hông ra thanh Thiên Vấn bảo kiếm, nói:
- Đệ nói phải chăng là thanh kiếm này?
Thạch Sanh lúc này mới vỡ lẽ, dập đầu khóc nói:
- Đại ca cứu đệ hai mạng, ơn sâu như thế này đệ dầu chết chẳng quên.
Lý Thông đỡ dậy rồi nói:
- Huynh đệ chúng mình còn khách khí như thế làm chi. Không giấu chi đệ, ta thật có chuyện muốn nhờ.
Thạch Sanh nói:
- Huynh cứ nói ra, dầu núi đao biển lửa đệ cũng chẳng từ.
Lý Thông nói:
- Bây giờ xác của ba con yêu kia không cách xử lý, để lâu ắt yêu khí thoát ra gây hại nhân gian. Nên ta nghĩ ra cách muốn đào bọn chúng yêu cốt, lột chúng yêu thân mà chế thành bảo khí. Thứ nhất là nâng cao khí vận, thứ hai là cho chư tướng binh khí thuận tay. Bất quá đất Nam ta chỉ có làng Phúc Sen mới biết cách rèn được. Nay ta lệnh đệ lên núi mời thợ rèn hạ sơn một phen. Thế có được hay chăng?
Thạch Sanh nói:
- Chuyện đó có chi khó đâu. Sư phụ Lê Lương của đệ có quen người làng Phúc Sen. Để đệ lên núi nhờ người giúp đỡ.
Thế là, ngay sáng hôm sau, Thạch Sanh cưỡi ngựa cùng một toán lính. Kéo xác ba con yêu, hướng phương Bắc mà đi.
Trong lúc đó, Trịnh Tú cùng ba huynh đệ họ Đặng y kế trước đó đã bàn. Công chiếm được thành Cửu Đức, bắt sống Ngô Xương Xí áp về dinh.
Lý Thông thấy Ngô Xương Xí quỳ dưới án thì quát rằng:
- Mi là kẻ lỗi đạo, dám thông đồng yêu ma quấy nhiễu nhân gian. Tội thật đáng chém muôn lần. Nhưng ta nể tình ngươi là hậu nhân của Ngô Vương nên tha cho. Lệnh ngươi một đời này không được bước ra Hoan Châu một bước, không được ngụ binh. Nếu trái lời này, ta dấy quân đánh cho tan xương nát thịt. Bêu rếu đến muôn đời sau!
Ngô Xương Xí hối hận lắm, nhưng sự đã thế nên chỉ biết dập đầu rồi nói:
- Cảm tạ ngài khoan dung độ lượng. Tôi cảm kích vô cùng.
Vậy là chiến sự kết thúc, Lý Thông dẫn bốn vạn quân thảo phạt, tổn thất chưa tới năm ngàn. Lại có thêm hai vạn hàng quân. Chuyến đi thắng lợi cực lớn. Qua ngày hôm đó, Lý Thông ra lệnh ba quân nhổ trại quay về.
Đến giữa tháng ba năm 966, Trần Lãm đóng ở Bố Hải Khẩu mắc trọng bệnh mà thác. Đinh Bộ Lĩnh lòng đau khôn xiết, đích thân tới viếng. Trước khi mất, Trần Minh Công dặn người trao lại ấn tín cho Bộ Lĩnh. Vậy là Đinh Bộ Lĩnh không tốn một binh một tốt đã chiếm giữ được Bố Hải Khẩu.
Bấy giờ có hùng chủ ở Đằng Châu là Phạm Bạch Hổ, không nhận Đinh Bộ Lĩnh cai quản Bố Hải Khẩu. Bèn đưa quân đi đánh. Lĩnh hay tin thì giận lắm, đích thân dẫn quân cự lại. Hai bên giằng co hai, ba tháng mà chưa phân thắng thua thế nào.
Giữa lúc đấy, Thạch Sanh lên núi cũng trở về, còn dẫn theo một người thợ rèn. Mang theo sáu món bảo vật tới gặp Lý Thông.
Trong đó gồm có một thành trường thương, một bộ giáp, một cây đàn, một cây trượng, một bộ châm, cùng một cái quạt. Khi bày biện các món lên bàn, Lý Thông xem qua một lượt rồi hỏi:
-Các vị rèn ra mấy món binh khí có chi lợi hại chăng? Tôi xin được cúi đầu nghe rõ.
Có người thợ rèn nâng một thanh trường thương lên. Chỉ thấy nó dài gần bốn thước, từ mũi đến đuôi một màu đen tuyền, ngù thương quấn rua hồng, thân thương khắc hoa văn rất bắt mắt. Người kia nói:
- Bẩm đại nhân, thương này lấy vuốt Kim Sí Điểu mà lãm mũi, lông mà làm rua, xương mà làm thân. Phía trên khắc Long Quân đồ đằng. Nung luyện trong lò bảy ngày bảy đêm để trừ yêu khí. Khi múa lên có tiếng chim réo kêu điếc màng nhĩ, uy lực ghê gớm cực kỳ.
Lý Thông hỏi:
- Thương này tên là gì?
Người kia đáp:
- Gọi là Điểu Vân Phá Hồn thương.
Có bài thơ khen Điểu Vân Phá Hồn Thương rằng:
Giỏi thay nhất khí Phá Hồn Thương
Lửa nóng lò cao nấu chảy xương
Nung luyện bảy ngày trừ ma tính
Điểu reo, gió lộng khắp muôn phương.
Lý Thông nghe nói, hỏi tiếp:
- Thế còn bộ giáp này?
Người kia đáp:
- Nó gọi Bá Vương Quỷ Diện Giáp. Lấy vảy của Lục Ngư Tinh mà bện thành, gân làm chỉ, vảy làm giáp. Đao kiếm chặt xuống không để lại dấu vết. Ngặt một nỗi, Ngư Tinh đạo hạnh sâu quá, yêu khí lưu lại trên đó chúng tôi không biết cách trừ.
Có thơ khen Bá Vương Quỷ Diện giáp rằng:
Bện từ vảy quái thành giáp da
Yêu khí chưa tán dễ phát ra
Giữa ngực quỷ diện ngư tinh hiển
Dẫu vậy đao kiếm khó phân ba.
Lý Thông hỏi tiếp:
- Cây Lục Cầm này thì như thế nào?
Người kia lại đáp:
- Đàn này gọi Lục Chỉ Cầm Ma, lấy gỗ của cây Tùng núi Tản Viên mà đúc thành. Dây đàn bện từ gân của Cửu Vĩ Yêu hồ. Gỗ Tùng có thể trấn ma. Đàn này vào tay nhạc sĩ chẳng khác chi lợi khí vô hình, giết người từ xa.
Có thơ khen Lục Chỉ Cầm Ma như sau:
Dày công nghiên chế bảo cầm ma
Tùng mộc tản viên đúc tạo ra
Ma tính trong yêu trừ sạch hết
Luyện thành lục chỉ, tiếng huyền ca.
Lý Thông mừng rỡ, lại nói:
- Cây trượng này chắc cũng là vật báu ghê gớm?
Người kia gật đầu, nói
- Trượng này gọi Bích Ngọc Thiên Trượng, đầu trượng đính yêu đan Cửu Vĩ Hồ. Thân làm từ thiên vẫn tinh kim. Sinh cơ phát ra nồng đậm, ánh sáng chiếu tới đâu cho dù vết thương chí tử cũng lành lặn như thường.
Có thơ khen Bích Ngọc Thiên Trượng rằng:
Chẳng phải thuỷ ngân, chẳng phải đồng
Luyện nên vật báu thật thần thông
Kim quang chiếu rọi coi như chớp
Xảo đoạt tạo hoá, khó đánh đồng.
Còn hai món binh khí là cây quạt trắng với một bộ ngân châm, Lý Thông chỉ bộ ngân châm rồi nói:
- Bộ châm này chế từ chân của Ngư Tinh có phải không?
Người thợ rèn đáp:
- Quả nhiên là thế, chúng tôi tách chân Ngư Tinh, lại thêm ít linh tài, ngâm trong đầm độc. Chế thành Bách Diệt Luyện Hồn Châm. Châm đâm trúng, cho dầu tiên thần cũng phải uổng mạng.
Lý Thông cười nói:
- Ngươi chưa biết tiên thần lợi hại a răng, đừng có nói càn mà dẫn hoạ.
Nói rồi lại chỉ cây quạt, hỏi:
- Thế món binh khí này làm như thế nào?
Người kia đáp:
- Quạt này lấy da của Cửu Vĩ Yêu Hồ làm thân, lông của Kim Sí Điểu làm nan. Đuôi quạt đính châu ngọc ấy là con mắt của Ngư Tinh. Một khi phất lên thì gió lốc mù mịt, cuồng phong sắc như kiếm. Người thường khó tránh khỏi tan xương nát thịt. Tôi đặt tên nó là Lưu Tinh Phi Thiên Phiến.
Có thơ khen hai món binh khí rằng:
Bách chi tách luyện diệt hồn châm
Noãn ngọc, linh kim, thêm độc đầm
Dẫu có tiên thần bị đâm trúng
Mạng thác hoàng tuyền, về cõi âm
Còn khen Lưu Tinh Phi Thiên Phiến rằng:
Quạt này tên gọi là Lưu Tinh
Làm từ hồ bì, đính ngọc linh
Dẫu vật tầm thường không bắt mắt
Quạt lên gió khởi, chắc bỏ mình.
Lý Thông nghe xong tấm tắc khen đều là bảo vật. Người thợ rèn còn lấy thêm trong túi ra một cái vỏ kiếm, không biết làm từ chất liệu gì, ở trên ấy còn khắc hai câu thơ: “Viết toại cổ chi sơ, thuỳ truyền đạo chi. Thượng hạ vị hình, hà do khảo chi.” dâng lên rồi nói:
- Còn đây là vỏ kiếm ngài yêu cầu. Chúng tôi lấy cây mọc bên cạnh mộ của Ngô Vương mà đúc thành. Có thể trấn an bửu kiếm Thiên Vấn. Xin ngài nhận lấy cho.
Lý Thông mừng rỡ, nhận lấy rồi cảm tạ không ngớt.
0