Chế tạo thẻ ảo ảnh thì khác hẳn so với thẻ năng lượng. Thẻ năng lượng, chỉ cần người thợ nắm rõ cấu trúc và kỹ thuật chế tạo là xong. Nhưng thẻ ảo ảnh thì khác. Nó đòi hỏi người thợ phải có một cái "cảm giác" nhất định. Mà cái "cảm giác" đó là gì? Đó chính là khả năng kết nối của thợ làm thẻ với năng lượng trong thẻ.
Năng lượng, vật tính, là những điều mà một người thợ chế tạo thẻ bài bắt buộc phải nắm vững.
Người ta có thể nâng cao "cảm giác" bằng một số cách thức đặc biệt. Và nó cũng là một trong những môn học bắt buộc đối với mỗi một người thợ làm thẻ. Trong kỳ thi dành cho thợ chế tạo thẻ, thì cảm giác cũng là một trong những tiêu chí vô cùng quan trọng và cũng được chia thành nhiều cấp độ khác nhau.
Tất nhiên, không chỉ người thợ làm thẻ cần đến cảm giác, có nhiều ngành nghề khác như là chiến sĩ thẻ bài, hoặc những người sử dụng thẻ bài chuyên nghiệp cũng có những yêu cầu nhất định.
Thực tế, lúc mà hệ thống thẻ bài mới phát triển, cũng chính là thời của Lê Trọng Hưng thì làm gì có cái nghề chiến sĩ thẻ bài nào. Thời đó, người chế tạo thẻ cũng là người am hiểu thẻ bài nhất. Nên họ vừa chế tạo được thẻ, cũng vừa thuần thục trong việc sử dụng nó. Cho nên lúc ấy số người làm thợ chế tạo thẻ rất nhiều, vừa chế thẻ mà lại kiêm cả luyện thẻ luôn.
Rồi đến 300 năm trước, thời của Huỳnh Vinh. Trải qua hơn 200 năm, số lượng thợ làm thẻ cũng nhiều lên đáng kể. Mà những tấm thẻ bài cũng đến được tay những người không phải thợ làm thẻ. Hệ thống thẻ bài trở nên phức tạp hơn rất nhiều, và lượng kiến thức mà thợ làm thẻ phải học so với thời của Lê Trọng Hưng cũng tăng lên gấp bội. Dần dà những người này tập trung hết thời gian của mình để nghiên cứu, học hỏi.
Và kể từ đó, một ngành nghề mới ra đời: chiến sĩ thẻ bài. Bọn họ là những người sử dụng thẻ bài chuyên nghiệp. Vì dồn hết tâm sức của mình vào làm sao để phát huy hết sức mạnh của thẻ. Bọn họ am hiểu việc sử dụng thẻ bài hơn thợ làm thẻ nhiều. Sức người có hạn. Mà vừa phải chế thẻ, vừa phải dùng thẻ thường sẽ không giỏi bằng những người khác. Theo thời gian khoảng cách của hai ngành nghề này ngày càng khác biệt.
Bất quá vẫn có trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như Huỳnh Vinh. Ông là một thiên tài, vừa giỏi chế tạo thẻ, vừa là một trong những chiến sĩ thẻ bài lợi hại nhất thời đó. Ông cũng là người cuối cùng trong lịch sử được ghi nhận với danh hiệu vừa là "thợ làm thẻ" vừa là "chiến sĩ thẻ".
Ngày nay, cách mà thợ làm thẻ rèn luyện cảm giác khác biệt khá nhiều so với các chiến sĩ thẻ. Thợ làm thẻ thì quan tâm nhiều đến cảm giác đối với năng lượng. Còn những chiến sĩ thẻ bài thì chú trọng hơn vào việc khống chế năng lượng đó.
Có rất nhiều phương pháp để rèn luyện cảm giác, nhưng nó lại có một điểm chung. Đó là phải cần môi giới. Tùy loại môi giới mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những đặc tính khác nhau của cảm giác. Mà đặc tính cảm giác này lại tác động đến loại thẻ mà người thợ tạo ra. Và tác dụng của tấm thẻ cũng phụ thuộc vào đó, ảnh hưởng đến những người sử dụng thẻ sau này. Vì vậy, có rất nhiều nơi mà những người thợ và chiến sĩ thẻ thường song hành cùng nhau. Những chiến sĩ sử dụng thẻ của giáo phái, cũng là để rèn luyện chung một loại cảm giác. Mà như vậy, họ sẽ phát huy hết được tác dụng của tấm thẻ. Chẳng hạn như ở chùa Khổ Tịch, họ chế tạo ra những tấm thẻ tâm. Những ai không phải người ở đó, thì rất khó có thể dùng được, mà cho dù có dùng được cũng không thể phát huy hết sức mạnh của thẻ bài đó.
Số người làm chiến sĩ thẻ còn nhiều hơn cả người làm thợ chế tạo thẻ. Dù những người thợ làm thẻ được kính nể và xem trọng hơn nhiều. Nhưng điều kiện để làm một người thợ lại khá là khó, phải có cấp bậc ít nhất là bậc thầy trở lên. Mà chiến sĩ thẻ thì dễ thích nghi hơn nhiều, có thể làm người bảo vệ tư nhân, thám hiểm hoặc là lính đánh thuê... Mà các chiến sĩ thẻ dùng thẻ nước có thể dễ dàng hoạt động ở dưới nước. Đây lại là lựa chọn hoàn hảo nhất khi cần thăm dò biển sâu. Và chiến sĩ thẻ nào mà giỏi dùng các thẻ dò xét thì không chỉ là những nhân viên an ninh cần thiết mà họ còn là người cần thiết cho các đội thám hiểm.
Thẻ bài có vô số chủng loại, mà chiến sĩ thẻ thì lại muôn hình muôn vẻ.
Thợ chế tạo thẻ là người tạo ra thẻ, nhưng cũng chính là người đảm nhiệm công việc sửa chữa thẻ. Nhưng thường thì, ít có thẻ bài nào cần phải sửa chữa. Bởi vì trong quá trình sửa chữa, rất dễ làm giảm tính năng của thẻ, hơn nữa lại tốn kém rất nhiều chi phí. Tuy nhiên, nếu đó là những tấm thẻ hiếm có, có thể là vô giá, có tiền cũng không mua được. Khi hư hỏng thì người ta chỉ còn cách đi sửa chữa.
Cảm giác của Khang Huy rất thấp, và vị nghệ nhân kia cũng không dạy hắn cách rèn luyện cảm giác. Tuy những tài liệu chuyên môn có hướng dẫn, và hắn cũng làm theo đó để luyện tập nhưng đến giờ vẫn chẳng thu được mấy kết quả. Ngẫm lại hắn cũng chẳng lấy đó làm buồn. Mấy cái phương pháp lưu truyền ngoài kia cũng toàn hàng chợ. Đối với một thợ làm thẻ, cách rèn luyện cảm giác của bản thân mình là bí mật quan trọng nhất. Trong cái xã hội cạnh tranh khốc liệt này, có ai mà tốt đến nỗi công khai ra làm gì?
Có rất nhiều phương pháp rèn luyện cảm giác, và cũng có không ít phương pháp nổi tiếng. Trong Ngũ Quận của Liên Bang Thái Bình, mỗi quận lại có một môn phái chế tạo thẻ nổi tiếng riêng.
Thực tế thì ở Ngũ Quận, thợ chế tạo thẻ và chiến sĩ thẻ không có sự tách biệt. Trong các môn phái đều vừa có thợ, lại vừa có chiến sĩ. Như chùa Khổ Tịch ở quận Đại Sơn lấy tâm làm môi giới, vừa khổ luyện vừa rèn luyện tâm tính. Từ đó mới đạt được mục đích nâng cao cảm giác.
Ngũ Quận lớn có Ngũ Học Phủ nổi tiếng: Học Phủ Minh Châu ở khu Bắc Hải, Học Phủ Vạn Xuân ở khu Thượng Sơn, Học Phủ Tinh Hoa ở khu Đông Hải, chùa Khổ Tịch ở khu Đại Sơn, và Trăng Hàn Châu ở khu Thiên Lĩnh. Còn có một học phủ lớn ở Thủ Đô, là học viện nổi tiếng nhất trong Lục Học Phủ.
Liên Bang Thái Bình có tổng cộng 5 quận, và 22 khu vực hành chính. Khang Huy ở thành Đông Bình, là một thành phố nhỏ ở phía đông trong một khu vực hành chính. Có thể tùy ý chuyển nhà ở trong 22 khu vực, còn muốn định cư ở một trong 5 quận lớn thì cũng chẳng hề dễ dàng. Phải có đủ trình độ, cũng như kỹ năng nhất định mới được. Mấy cái điều kiện sống ở Ngũ Quận cũng hơn hẳn ở khu vực hành chính nhiều. Có thể định cư ở đây thì quả thực là mơ ước của rất nhiều người.
Tạm trú, hay tham quan du lịch ở khu đó thì không được tính.
Đại Học Đông Phương không biết đứng thứ mấy trong cả nước, nhưng lại nổi tiếng ở vùng này. Đáng tiếc là Khang Huy lại chẳng có cơ hội nào mà được vào đó học tập. Hiện tại hắn chỉ đang tự luyện theo những phương pháp hết sức thô sơ, và thiên phú của hắn ở phương diện này cũng không được tốt lắm, cho dù đã kiên trì luyện tập trong suốt hai năm trời, vẫn chẳng thấy tiến bộ gì.
Khang Huy cũng chẳng nóng vội gì, cứ đều đặn mà luyện tập mỗi ngày. Phương pháp mà hắn đang tập thì chẳng đòi hỏi điều gì đặc biệt. Hắn cứ thế mà dùng cái mà hắn đã quá quen thuộc: thẻ năng lượng cấp một mà tự tay mình làm ra. Mà giờ đây, những tấm thẻ đó trông đã khác đi khá nhiều. Trông nó có vẻ trong suốt và óng ánh hơn, mà giống như có một loại liên kết vô hình với hắn. Mà đó là liên kết gì thì hắn lại chẳng tài nào mà diễn tả được.
Quả không uổng công Khang Huy cố gắng. Dù cảm giác của hắn vẫn rất yếu, nhưng hắn vẫn miễn cưỡng có thể làm được những tấm thẻ ảo ảnh cấp một và hai.
Kết cấu của thẻ ảo ảnh cấp một thì Khang Huyđã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, đến nỗi thuộc cả vào trong lòng rồi. Vậy là giờ hắn đã có thể thử làm cho mình một tấm thẻ ảo ảnh đầu tiên.
Hỏng rồi! Nét này đi sai rồi. Chiếc thẻ đầu tiên cũng không dùng được.
Cái thứ hai cũng thế, cái thứ ba cũng chẳng khác gì!
Trán của Khang Huy bắt đầu lấm tấm mồ hôi. Cuối cùng thì hắn cũng cảm nhận được cái sự khác biệt giữa làm thẻ ảo ảnh với làm thẻ năng lượng cấp một.
Về vật liệu, thì thẻ bài thường gồm hai phần chính: phần lõi và phần mực. Phần lõi là thứ để truyền tải cho phần mực, mà phần mực lại có chức năng vẽ các họa tiết, thành phần thì cực kỳ phức tạp, nên điều chế nó thế nào, là phần mà bất cứ thợ làm thẻ nào cũng phải nắm vững.
Làm thẻ ảo ảnh thì không chỉ có cầm bút và vẽ mà còn là vận dụng cả "cảm giác" để giúp phần mực và phần lõi kết hợp với nhau. Chỉ mỗi điểm này thôi đã làm khó việc chế tạo đi rất nhiều rồi.
Hiện tại Khang Huy đã rất khó để giữ vững cái "cảm giác". "Cảm giác" của hắn đã quá kém rồi. Bây giờ hắn cố quá sức thì chẳng những không làm được mà lại càng khiến cho cơ thể mệt mỏi hơn thôi.
"Đúng là mệt hơn khi làm hai mươi mấy thẻ năng lượng cấp một."
Khang Huy vô thức gục đầu xuống bàn ngủ, và lần này, hắn ngủ rất sâu. Quá là mệt mỏi!
Ngoài cửa sổ, cả một bầu trời đêm đầy sao. Trời bắt đầu trở lạnh, mấy ngôi sao giữa đêm đông lại càng khiến cho người khác thấy cô đơn, và nó lại tản ra thứ ánh sáng xanh trong trẻo nhưng lại rất lạnh lùng. Và những tia sáng đó lại chiếu thẳng vào chỗ mà Khang Huy đang ngủ.
Tấm thẻ bí ẩn an tĩnh nằm im ở một góc bàn. Cũng là lúc, nó nằm trọn trong ánh sao đêm.
Căn phòng vô cùng im lặng. Chỉ có tiếng ngáy đều đều của Khang Huy.
Rồi, những đường nét màu bạc mỏng manh như tơ trên bề mặt thẻ đột ngột phát sáng. Và cả tấm thẻ màu đen, lại càng thêm phần thâm thúy.
Dần dần, những nét bạc bắt đầu nhạt đi, mờ đến mức gần như không thể nhìn thấy, mà những đường bạc mỏng như tơ như trên bề mặt lại bắt đầu thay đổi hình dạng.
Những giao điểm của các đường bạc vẫn không thay đổi. Mà vẫn phát ra ánh sáng.
Và quá trình đó diễn ra trong suốt 10 phút.
Bề mặt của tấm thẻ đã trải qua một sự thay đổi đáng kể. Toàn bộ những đường bạc rối như mạng nhện trước đó đã biến mất. Thay vào đó là vô vàn những điểm sáng bạc lớn nhỏ, hệt như những ngôi sao đang trôi giữa bầu trời đêm.
Khi Khang Huy tỉnh giấc thì cũng đã 5h sáng rồi, vì bị khí lạnh từ cửa sổ tràn vào nên mới thức giấc. Dụi dụi đôi mắt vẫn còn lim dim, lắc lắc đầu mấy cái. Gắng gượng ngồi dậy, cố xua tan cơn buồn ngủ.
Hít sâu một hơi, không khí lạnh buốt khiến đầu óc của Khang Huy trở nên tỉnh táo hơn. Rồi, đôi mắt của hắn chợt quét ngang mặt bàn, đột nhiên cơ thể hắn cứng đờ, bất động như tượng.
Năm phút sau, Khang Huy mới có thể cử động được. Mà sau khi đã hồi phục tinh thần thì hành động đầu tiên của hắn là véo vào cánh tay của mình. Cho dù là người chưa bao giờ gặp mộng mị thì hắn cũng nghĩ là mình đang nằm mơ. Tuy nhiên, cơn đau từ tay đã nói lên một điều rằng, khung cảnh trước mắt không phải là mơ.
0