Chương 57. Thông điệp thứ hai
-----
7h30' sáng 24/12/1960, cuộc họp cao cấp của Đại Thịnh đế quốc đã diễn ra trong 1h ngắn ngủi. Sau đó lúc 9h sáng cùng ngày, bộ Ngoại Giao lại phối hợp với bộ Thông Tin Truyền Thông đưa ra thông điệp thứ hai thông báo toàn thế giới:
"Đây là tin báo lập quốc thứ hai của Đại Thịnh đế quốc.
Đại Thịnh đế quốc là một nước theo chế độ Quân chủ lập hiến.
Người đứng đầu là hoàng đế Ái Tân Giác La Phổ Nghi, tên hiệu là Thịnh Đế.
Người đứng thứ hai là thủ tướng Giang Bình An.
Đại Thịnh đế quốc bao gồm 8 tỉnh khu vực Hoa Nam: Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, một đảo lớn Hải Nam, không bao gồm Đài Loan. Khu vực này từ đây sẽ độc lập tách ra khỏi Trung Quốc, tách khỏi sự quản lý của chính quyền Bắc Kinh.
Thủ đô là huyện Long Thịnh, tỉnh Quảng Đông.
Vương cung đế quốc gọi là Thịnh Cung, là trung tâm hành chính điều hành đế quốc và cũng là nơi ở của hoàng đế, nằm cạnh hồ Bích Giao, ở thủ đô Long Thịnh.
Dân số 450 triệu người, diện tích 1,6 triệu km².
Đại Thịnh đế quốc có 8 đặc điểm chính:
* Bốn không:
- Không chiến tranh.
- Không quân đội
- Không nhà tù
- Không thu thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp
* Bốn có:
- Tự do: trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất, ngôn luận...
- Ăn no, mặc ấm
- Học hành
- Việc làm đủ và tốt cho mọi người.
Đại Thịnh đế quốc xin trân trọng mời lần thứ hai tất cả nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến Thịnh Cung để tham dự buổi lễ đăng quang của hoàng đế Ái Tân Giác La Phổ Nghi vào lúc 9h sáng ngày 01/02/1961.
Quý vị khách quý có thể đến trước tùy thích, Đại Thịnh đế quốc sẽ ân cần tiếp đón nồng nhiệt và chu đáo nhất, xin cảm ơn tất cả mọi người"
Thông điệp thứ hai này giới thiệu chi tiết hơn về Đại Thịnh đế quốc, ngoài ra còn có một video ngắn quay chụp Thịnh Cung, quốc kỳ, quốc danh, quốc tượng, kể cả nguyên một bộ máy chính quyền trung ương: hoàng đế, thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, quan chức trong 10 bộ, 500 cận vệ hoàng gia...
Đoạn ghi hình này được phát trên sóng truyền hình, còn tin nhắn thì bằng giọng nói của các thứ tiếng của các nước... Chúng giúp cho toàn Trung Quốc và cả thế giới hiểu biết rõ ràng hơn về Đại Thịnh đế quốc.
Mà khi biết rõ rồi thì chấn kinh toàn thế giới, Đại Thịnh đế quốc đã vượt lên tất cả trở thành quốc gia có số dân đông nhất thế giới năm 1960 dù rằng quốc gia này chưa được công nhận.
Năm này nước Mỹ dân số là 180 triệu người, nước Ấn Độ chỉ khoảng 400 triệu người, Trung Quốc thì bị mất 450 triệu người vào tay Đại Thịnh đế quốc, chỉ còn lại chưa đến 200 triệu người.
Một quốc gia đông dân bậc nhất như vậy lại dám tuyên bố không thành lập quân đội, không tổ chức nhà tù, không thu thuế, không chiến tranh.
Đây gần như một quốc gia lý tưởng, khó mà có thật. Ấy vậy mà họ lại tuyên bố lập quốc và còn mời tất cả nguyên thủ trên thế giới đến chơi.
Trừ Trung Quốc, các nước còn lại đều đang tự hỏi tại sao chính quyền Bắc Kinh lại để điều này xảy ra mà không can thiệp bằng chính trị hoặc bằng vũ lực? Nếu chuyện này mà xảy ra ở đất nước của họ thì phe nổi loạn đã no đòn rồi, làm sao có chuyện thông báo toàn thế giới một cách công khai và rêu rao như vậy.
Hôm nay là 24/12, đúng ngay lễ Noel, cả thế giới vừa khó chịu vì bị cướp sóng phát thanh, phát hình nhưng cũng vừa thú vị nhìn xem trò cười của chính quyền Bắc Kinh, trong việc xử lý vụ nổi loạn quy mô lớn này ra sao.
Ai cũng dự định nếu đến ngày hẹn mà Đại Thịnh đế quốc này vẫn còn tồn tại tốt đẹp thì sẽ sang chơi thăm viếng. Mặc kệ vì lý do gì, cứ hễ tồn tại được thì tức sẽ có lý do của nó.
Các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo thì nghĩ vậy nên chờ đợi và quan sát, nhưng các thương nhân thì không, một quốc gia mới toanh mới thành lập, không đóng thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp, mà dân số thì cao nhất thế giới... đây là môi trường lý tưởng nhất để kinh doanh rồi còn gì, đặc biệt là thủ phủ của quốc gia này lại gần sát Hongkong, đặc khu kinh tế do nước Anh quản lý.
Các thương nhân thuộc các ngành kinh doanh nông sản, may mặc, đồ gia dụng... Đã lăm le rủ nhau chuẩn bị làm một cú lớn trong đế quốc Đại Thịnh, họ luôn có tinh thần mạo hiểm, quyết đoán, luôn muốn làm kẻ đầu tiên ăn con cua để đạt được tiền lời cao nhất. Nhưng bên cạnh đó không thiếu thương nhân mỉa mai khinh bỉ các thương nhân muốn qua kinh doanh trước bên Đại Thịnh đế quốc, họ cho rằng quá nguy hiểm vì chính trị chưa ngã ngũ giữa Bắc Kinh và Quảng Đông, ngoài ra người dân Trung Quốc nghèo kiết xác vì mới trải qua mấy chục năm chinh chiến gian khổ thì làm gì có tiền có bạc mà mua sắm thông thương.
...
9h10' tại Bắc Kinh, các lãnh đạo cấp cao đã xem và đã nghe thông điệp thứ hai phát sóng toàn thế giới của Đại Thịnh đế quốc.
Mọi người lòng dạ đau như cắt khi nghe chính thức thông báo Trung Quốc bị cắt mất 8 tỉnh Hoa Nam, 1,6 triệu km², 450 triệu người dân...
Từ đây Trung Quốc bị xé ra làm 2, chính quyền Bắc Kinh tuy giữ được diện tích rất lớn, gần 5/6, nhưng 1/6 bị mất kia là nơi trù phú nhất trong cả nước Trung Quốc, đó là chưa kể nguyên cả một vùng biển Hoa Nam phong phú tài nguyên.
Riêng về mặt chiến lược thì mất đi Hoa Nam là Trung Quốc mất đi con đường bành trướng về phía Nam, từ đây chỉ có thể co vòi rút cổ chịu gió tuyết bão cát của phương Bắc. Tài nguyên cằn cỗi nơi này sẽ rất khó khăn để Trung Quốc cất cánh trong tương lai.
Còn về mặt an ninh quốc phòng thì ôi thôi nát be bét. Phía Bắc có gấu Bắc cực đang bất hòa, tức là Liên Xô, phía Tây lại có Ấn Độ cực kỳ thù địch, phía Đông là biển nhưng Đài Loan và Nhật Bản luôn luôn rình rập. Cuối cùng nhất phía Nam, tuy Đại Thịnh đế quốc rất non nớt, thậm chí chưa làm cả khai sinh, chưa được nước nào công nhận... Nhưng hiện tại Bắc Kinh lại kinh hãi nhất nước này. Tình cảnh rất bi đát, có thể nói là bị thập diện mai phục.
Thế nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó. Tương lai không xa, Bắc Kinh bị mất đi Hoa Nam, tương đương với mất đi vựa lúa, tình hình an ninh lương thực bỗng nhiên trở nên nguy khốn, vì Hoa Bắc của Trung Quốc khó có thể tự lực về lương thực khi đất đai khô cằn thiếu nước...
Tạm thời gác lại những tình cảnh bi đát trong tương lai, chính quyền Bắc Kinh chuyển qua nghiên cứu các thông tin Đại Thịnh đế quốc đã truyền ra.
Kẻ cầm đầu chính quyền nổi loạn này là cựu hoàng đế Phổ Nghi cùng một tên thủ tướng trẻ ranh ngoài 20 tuổi, mặt mày lạ hoắc, ngay cả toàn bộ quan chức trung ương 104 người cũng là lạ mặt, không quen một ai. Chỉ có 20 tướng quân đứng phía sau hoàng đế Phổ Nghi là quen mặt.
20 tướng quân này đã quy hàng kẻ địch, chẳng những vậy còn góp thêm vào 150 vạn binh lính tiếp tay cho kẻ địch nổi loạn.
Nhưng ngoài cảm giác phẫn nộ, tức giận, cả hội nghị còn có cảm giác bất lực to lớn, không ai dám can đảm ủng hộ ý kiến dốc sức chiến tranh giành lại địa bàn.
Cả thế giới chờ Bắc Kinh phản ứng tiêu diệt Đại Thịnh đế quốc của hoàng đế Phổ Nghi nhưng Bắc Kinh lại đang kinh sợ Đại Thịnh đế quốc.
9h25' một kỹ thuật viên xin vào báo cáo:
- Toàn bộ liên lạc với chính quyền cơ sở ở 8 tỉnh Hoa Nam đã bị cắt đứt 100% đồng thời nhận được một thông điệp của Đại Thịnh đế quốc gửi riêng cho Bắc Kinh:
"Đại Thịnh đế quốc chính thức lập quốc, từ đây 8 tỉnh Hoa Nam không còn là của Trung Quốc nữa.
Nếu chính quyền Bắc Kinh trong vòng 24h nhận được thông điệp này mà không thông báo thừa nhận tính hợp pháp của Đại Thịnh đế quốc thì mọi hậu quả xấu sẽ do chính quyền Bắc Kinh hứng chịu.
Hạn chót thông báo thừa nhận là 9h30' ngày 25/12/1960. Trễ thông báo một ngày, chính quyền Bắc Kinh sẽ mất địa bàn một tỉnh và 5 quân đoàn.
Trễ thông báo thừa nhận 10 ngày thì chính quyền Bắc Kinh sẽ không tồn tại nữa.
Nếu cố tình phản kháng bạo lực, ví dụ như cho máy bay ném bom thì sau 3 ngày, Đại Thịnh đế quốc sẽ tiếp quản toàn bộ Trung Quốc."
Chiêu đe doạ của Đại Thịnh đế quốc này đánh thẳng vào điểm yếu nhất của chính quyền Bắc Kinh, gã khổng lồ này đang bị một đối thủ thần bí, mạnh mẽ đánh túi bụi, thất điên bát đảo, sắp bị knockout, giờ đối thủ lại đưa ra tối hậu thư trong vòng 24h.
Nhục nhã... Vô cùng nhục nhã, là cảm giác lớn nhất khi nghe tối hậu thư này, mọi người trong hội nghị bị tức tối đỏ ngầu mọi cặp mắt, rồi một lãnh đạo đã chịu không nổi phải bộc phát:
- Không thể chịu đựng được nỗi nhục này... Ta phải bằng mọi giá tiêu diệt nó.
- Bằng cách nào?
- Bom nguyên tử.
- Chúng ta không có.
- Có thể nhờ Liên Xô hoặc Mỹ.
- Ngươi điên rồi, kêu gọi người khác thả bom nguyên tử lên quê cha đất tổ, lên đồng bào mình à?
- Không, giờ nó đã không còn là quê cha đất tổ hay đồng bào nữa, nó đã là Đại Thịnh đế quốc... kẻ thù của chúng ta.
- Ngươi bị điên thật rồi, tỉnh táo lại đi. Chúng ta mà cầu xin Liên Xô và Mỹ đánh bom nguyên tử ở Quảng Đông thì sẽ có 4 loại kịch bản sẽ có thể xảy ra.
- Kịch bản gì?
- Thứ nhất là kịch bản tốt nhất: đánh bom nguyên tử thành công, Quảng Đông bị xóa sổ giống như hai thành phố bên Nhật. Trung Quốc sẽ mãi mãi đau thương, mãi mãi mất đi Quảng Đông và mấy trăm triệu đồng bào, và chúng ta mãi mãi là tội nhân thiên cổ.
Kịch bản thứ hai là Liên Xô và Mỹ không thèm can thiệp, họ càng muốn chúng ta phải nội chiến, phải mất đoàn kết, phải chia rẽ rồi bị suy yếu. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra rất lớn. Nhất là trong thời kỳ chiến tranh lạnh này: Liên Xô thả bom thì Mỹ cản, Mỹ thả bom thì Liên Xô không cho.
Kịch bản thứ ba là Liên Xô hoặc Mỹ giúp đánh bom nguyên tử, nhưng họ nhân cơ hội thả cả vài chục trái bom nguyên tử cho Trung Quốc trở thành sa mạc trắng, lúc đó thì đáng đời cho chúng ta cái tội cõng rắn cắn gà nhà. Mọi thứ đều kết thúc, mọi người đều chết, kể cả ta và các ngươi.
Kịch bản cuối cùng là kịch bản kinh dị nhất, nhưng riêng ta thì đánh giá nó có tới 99% sẽ xảy ra khi Liên xô hoặc Mỹ đánh bom nguyên tử ở Quảng Đông. Khi đó kẻ địch thần bí sẽ thu luôn bom nguyên tử, họ không bị hề hấn gì, và sau đó...
0